Những điều chưa ổn từ giá cả…
Càng gần đến ngày quy định đội mũ bảo hiểm thì thị trường càng sôi động. Có rất nhiều điểm bán mũ bảo hiểm trên các tuyến phố của Hà Nội, tại đây các chủ hàng đã tăng giá bán tới 20- 30% so với những tuần trước. Các siêu thị cũng đã nhập mũ bảo hiểm để bán với các mức giá ổn định hơn. Tại siêu thị BIG C, anh Trần Phương ở Ngọc Khánh cho biết: “Chiếc mũ tôi mua cách đây mấy tháng 145.000 đồng, ở đây giá mũ này vẫn 145.000 đồng không có gì thay đổi. Tôi vào đây mua cho cả nhà và chọn loại mũ đảm bảo an toàn”. Tuy nhiên vẫn có những siêu thị lợi dụng cơ hội này để bắt chẹt khách. Chị Thuỷ ở Lê Trọng Tấn, Hà Nội than phiền: chiều 10/9, chị đến siêu thị Thạch Kim ở khu đô thị Định Công để tìm mua mũ bảo hiểm thì thấy chiếc mũ nhãn hiệu Saga của Protec được bán với giá 281.000 đồng trong khi báo giá của công ty là 165.000 đồng. Chị cho biết thêm, khi thắc mắc thì được nhân viên siêu thị trả lời không rõ ràng nên rất bực mình.
…đến chất lượng
Tuy nhiên, điều mà nhiều người quan tâm nhất là để chọn được một chiếc mũ thật quả là quá khó vì trên thị trường hiện nay có quá nhiều loại mũ của các hãng cả trong và ngoài nước với rất nhiều loại tem khác nhau. Theo cục quản lý chất lượng hàng hoá thì có tới trên 90 nhãn hàng hoá đang lưu hành. Trong đó có 50 kiểu mũ của các nhà sản xuất trong nước. Mũ bảo hiểm là một loại hàng hoá đặc thù, không ai tự kiểm định chất lượng mũ bằng tay hoặc bằng mắt thường. Mà cũng không ai đợi đến lúc tai nạn giao thông mới chứng minh loại mũ bảo hiểm mình sử dụng có tốt hay không…?
Nên mua loại mũ phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam, nếu mũ sản xuất trong nước phải có tên cơ sở và giám định chất lượng theo quy định. Đối với mũ nhập khẩu thì phải rõ xuất xứ từ nước nào, tên, địa chỉ của đơn vị nhập khẩu, có dấu hiệu kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu hoặc dấu kiểm định của 1 trong 2 công ty được chỉ định kiểm định là PSP (Singapore) và Siri (Malaysia).
Cục quản lý chất lượng hàng hoá
Qua kiểm tra đợt cuối tháng 7, Cục quản lý chất lượng hàng hoá cho biết mũ bảo hiểm giả, nhái kém chất lượng tràn ngập thị trường. 82% hàng nhập khẩu không kiểm tra chất lượng, 36% hàng sản xuất trong nước không có dấu công bố tiêu chuẩn hàng Việt Nam TCVN 57562001. Và hàng vạn mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng đã được các cơ quan quản lý thị trường một số địa phương tạm giữ chờ xử lý. Nhưng chỉ tạm giữ chỉ vì không rõ nguồn gốc, chứ chưa có căn cứ để tạm giữ vì không đảm bảo chất lượng.
Có một tồn tại, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý thị trường là theo quy định hiện nay, nhà sản xuất có quyền tự công bố tiêu chuẩn và dán tem chính hãng cho sản phẩm. Hệ quả là có bao nhiêu hãng sản xuất mũ bảo hiểm được cấp phép thì có bấy nhiêu loại tem hợp pháp. Trước thực tế này các cơ quan chức năng cho biết đang xây dựng dự thảo về quy chuẩn cho mũ bảo hiểm. Sớm nhất là ngày 15/12, các cơ quan chức năng sẽ có thể áp dụng một loại tem chuẩn trên tất cả các sản phẩm đã qua kiểm định để tạo thuận lợi cho người dân lựa chọn được một sản phẩm tốt khi tham gia giao thông.
Và sự vào cuộc của các cơ quan chức năng
Thế nhưng để đợi đến ngày 15/12, cũng là ngày bắt buộc phải đội mũ trên tất cả các tuyến đường, thì hàng triệu chiếc đã được vận chuyển và bày bán khắp mọi ngõ ngách, từ thành thị đến nông thôn và rất nhiều người dân đã mua phải mũ bảo hiểm không rõ nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Có tới 85% người đội mũ bảo hiểm không bị chấn thương sọ não nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông, với điều kiện đó là loại mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, chịu được sức va đập mạnh từ bên ngoài.
Giá mũ bảo hiểm cũng thuộc loại “thượng vàng hạ cám”, từ vài chục ngàn đến hàng triệu đồng một chiếc. Người bán cứ tự do bán theo giá mà người ta tính toán có lợi nhuận. Còn chất lượng đến đâu, nguồn gốc do cơ sở nào sản xuất thì không phải là việc của họ. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng chỉ kiểm tra, xử phạt những người không đội mũ bảo hiểm, chứ không thể xử phạt được người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, vì chưa có chuẩn mực của cơ quan chức năng. Về phía người tiêu dùng, thực ra vẫn còn không ít người mua mũ là để đối phó với cảnh sát giao thông, nên không cần chất lượng mà chỉ cần mua rẻ là được. Vài chục ngàn một mũ là phù hợp với túi tiền của nhiều người lao động hiện nay.
Cơ quan kiểm định, cơ quan quản lý thị trường… cần đẩy nhanh thời hạn công bố chất lượng sản phẩm và kiểm soát, xử lý nghiêm các loại mũ chất lượng kém để góp phần bảo vệ người tham gia giao thông. Với người tiêu dùng, hãy vì sự an toàn của mình và đừng mua mũ bảo hiểm chỉ để đối phó./