Len lỏi trên đường phố là khách bộ hành, hầu như không bị CSGT để ý, xử lý vi phạm, mà số lượng người đi bộ tham gia giao thông đâu phải là ít !?
Theo đúng qui luật, càng ngày số người đi bộ tham gia vào giao thông sẽ càng tăng. Nếu không có điều chỉnh trong hành vi, bộ hành sẽ nhanh chóng trở thành một trong những nguyên nhân gây ùn tắc và TNGT, nhất là TNGT nghiêm trọng…
Nhận diện “người đi bộ”
Thực tế là giao thông đi bộ ở nước ta khá phức tạp. Cho dù tâm lý sở hữu và sử dụng phương tiện giao thông cá nhân vẫn là chủ đạo thì lượng người đi bộ đã tăng nhanh trong mấy năm qua, bên cạnh việc tăng nhanh số người sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Bởi phương tiện giao thông công cộng di chuyển có lộ trình, buộc người sử dụng phải đi bộ đến điểm dừng, đỗ và rời khỏi điểm dừng, đỗ cũng bằng phương thức đi bộ. Ngoài ra, đặc điểm dân sinh sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán nhỏ bám vào “mặt phố”, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, khiến cho lượng người đi bộ tham gia giao thông trở nên đông đúc suốt các dãy phố...
Đông đảo là thế nhưng người đi bộ ở ta chưa có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Như đã nói ở trên, đó có thể là hệ quả của việc nhiều năm bị “lãng quên”. Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến cho bộ hành trở nên “nguy hiểm” là hệ thống hạ tầng giao thông còn yếu kém, lạc hậu. Giao thông của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn là giao thông đồng cấp, nghĩa là tất cả các phương tiện đều bám lấy 1 mặt đường, bao gồm cả phương tiện cơ giới lẫn người đi bộ. Vì thế, giao thông đi bộ rất rối ren. Người đi bộ có thể đi thế nào cũng được, miễn là tiện cho mình: băng qua đường, đi xuống lòng đường... bất chấp các phương tiện khác đang di chuyển sát bên.
Người đi bộ, tất nhiên, không được trang bị các phương tiện bảo hiểm khi giao thông, không có thói quen báo hiệu, xin đường nên tai nạn rất dễ xảy ra mà đã xảy ra rất dễ để lại hậu quả nghiêm trọng. Năm 2006, số vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến bộ hành là 66 vụ, còn tháng 8-2007, số vụ TNGT nghiêm trọng do người đi bộ gây ra là 5 vụ.
Biết sai nhưng không dễ sửa
Đánh giá đúng vai trò của bộ hành trong giao thông nên mới đây, CATP đã có chủ trương thí điểm xử lý những vi phạm của bộ hành khi tham gia giao thông. Việc xử lí vi phạm đối với người đi bộ tập trung vào một số lỗi được coi là dễ dẫn đến TNGT nghiêm trọng: không tuân thủ đèn tín hiệu dành cho người đi bộ; đi sai phần đường quy định dành cho người đi bộ; trèo qua dải phân cách. Nhưng khi được hỏi về cách thức triển khai việc xử lý vi phạm, chỉ huy CA còn tỏ ra rất dè dặt...
Tại các nút giao thông có đèn chỉ huy ở Hà Nội đều có đèn tín hiệu dành cho người đi bộ. Thậm chí để ưu tiên người đi bộ, trên tuyến quanh hồ Hoàn Kiếm, ngành GTCC còn cho lắp đặt cả đèn chỉ huy mà bộ hành có thể điều chỉnh để sang đường. Nhưng việc tuân thủ đèn hiệu của người đi bộ còn rất hạn chế. Vậy mà, để xử lý lỗi này không dễ, dù vi phạm dễ nhận thấy. Nguyên nhân là do hiện nay, để ưu tiên phân luồng các phương tiện cơ giới, nhiều nút giao thông sử dụng đèn chỉ huy 3 pha, khi có đèn đỏ phương tiện được rẽ phải hoặc trái, đương nhiên giao cắt với làn đường bộ hành. Dù có cảnh báo “nhường đường cho người đi bộ” nhưng xung đột giao thông vẫn xảy ra. Ngay cả trên tuyến giao thông mẫu Thái Hà - Chùa Bộc, thực trạng này vẫn còn. Thêm nữa, nhiều nút giao thông rộng, thời gian dành cho người đi bộ qua đường theo đèn chỉ huy giao thông chưa phù hợp, quá ít để sang đường an toàn.
Lỗi đi sai phần đường còn dễ gặp hơn và... khó xử lý hơn nhiều. Nhiều tuyến đường, phố thiếu vỉa hè, đường ngang cho người đi bộ cộng với thói quen tùy tiện khi sang đường chính là nguyên nhân. Do tùy tiện nên lỗi này diễn ra thường xuyên và lực lượng CSGT vốn mỏng kiểm tra, xử lý không xuể. Tương tự lỗi này là lỗi “trèo qua dải phân cách”, rất dễ bắt gặp, rất dễ nhận thấy mức độ nguy hiểm, nhưng việc xử lý cũng khó và chưa nghiêm.
Việc xử lý còn khó khăn ở chỗ hành lang pháp lý để xử lý các hành vi vi phạm của người đi bộ còn khá mỏng. Theo qui định tại Nghị định 152/CP (ngày 15-12-2005) qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lỗi vi phạm của người đi bộ chỉ bị xử phạt từ 10 đến 40 nghìn đồng, không có hình phạt bổ sung. Đối với người đi bộ, hình thức xử phạt bổ sung được nêu chung chung là “tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính” (Nghị định 152) là điều gần như không thể...
Rõ ràng, việc điều chỉnh hành vi tham gia giao thông của người đi bộ là cần thiết, vì an toàn giao thông nói chung và an toàn của chính bộ hành. Song, để thực hiện được yêu cầu đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, có một chế tài đủ mạnh là điều cần nghiên cứu, áp dụng sớm. Nếu không, giải pháp “cưỡng chế thi hành Luật Giao thông đường bộ” sẽ chẳng thể “sờ” đến bộ hành.