(VOV)_Sáng 10/7, Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội mít tinh nhân Ngày Dân số thế giới 11/7.
Phát biểu tại Lễ mít tinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số Gia đình và Trẻ em Việt Nam Lê Thị Thu khẳng định: “Việt Nam đã căn cứ vào các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ để xây dựng các mục tiêu phát triển của Việt Nam. Một trong các mục tiêu đó là đảm bảo bình đẳng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ. Vai trò của nam giới đối với công tác DSKHHGĐ được nhấn mạnh từ những văn bản đầu tiên của Việt Nam về công tác này. Trong quá trình thực hiện, đa số nam giới nắm được các chủ trương của Nhà nước về DSKHHGĐ. Họ hiểu rõ vai trò của các biện pháp tránh thai đối với giảm sinh. Họ chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai để đảm bảo cuộc sống và hạnh phúc gia đình”.
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong việc tổ chức cho nam giới tham gia trực tiếp vào việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, thực hiện chương trình dân số KHHGĐ góp phần đạt được mục tiêu giảm sinh hàng năm và duy trì được mức sinh thay thế lien tục trong 2 năm (2005-2006).
Mặc dù đã đạt được một số kết quả trong việc thực hiện mục tiêu chính sách dân số, tăng cường sự tham gia của nam giới vào chương trình dân số KHHGĐ nhưng trên thực tế công tác dân số vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, vẫn còn những khoảng cách trong việc huy động sự tham gia của nam giới trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, sức khoẻ sinh sản. Việt Nam bị ảnh hưởng bởi văn hoá Nho giáo, mang nặng tư tưởng trọng nam, khinh nữ trong gia đình. Có một nghịch lý trong gia đình Việt Nam là việc quyết định có hay không có thai lại thường là nam giới. Cứ 100 người đang sử dụng biện pháp tránh thai thì có tới 90 phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai.
Dân số nước ta mỗi năm tăng thêm 1,5 triệu người
Dân số thế giới đã ở mức 6,6 tỷ người, bình quân hàng năm tăng thêm khoảng 75 triệu người. Việc khuyến khích sự tham gia của nam giới vào chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản kế hoạch hoá gia đình sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo hạnh phúc cho phụ nữ và trẻ em. Dân số Việt Nam là 84 triệu người, đông dân thứ 13 trên thế giới, mật độ dân số 250 người/km2 (thuộc loại cao nhất thế giới). Dù tốc độ tăng dân số đã được khống chế bước đầu song mức sinh những năm 80 của thế kỷ trước rất cao, với mức trung bình gần 2 triệu người được sinh ra mỗi năm. Nay số người này bước vào thời kỳ sinh đẻ mạnh nhất nên dù có cố gắng hết mức thì mỗi năm dân số nước ta cũng sinh ra them khoảng 1,5 triệu người. Kết quả giảm sinh chưa thật sự vững chắc, chỉ cần nơi lỏng thì chắc chắn tỷ lệ phát triển dân số sẽ tăng mạnh trở lại.
Nhìn nhận lại kết quả hoạt động chủ đề Ngày Dân số thế giới năm 2006, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm nêu rõ: “Ở Việt Nam, nhiều hoạt động thiết thực đã được tiến hành đồng bộ đảm bảo sự tiếp cận và cơ hội cho giới trẻ được hưởng các quyền và cống hiến về chính trị, kinh tế, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ sinh sản. Thông qua hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ KHHGĐ cho thanh niên và vị thành niên bước đầu đã triển khai các đề án nâng cao chất lượng dân số khi sinh”.
Ông Ian Howie - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cũng khẳng định: “Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của việc huy động nam giới tham gia vào các chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình. Điều này thể hiện qua Chiến lược Gia đình Việt Nam giai đoạn 2005-2010 và Luật Bình đẳng giới khuyến khích nam giới tham gia vào mọi lĩnh vực của cuộc sống gia đình”. Qui mô dân số ở Việt Nam vẫn ở mức cao, bình quân hằng năm tăng 1,3%. Tỷ lệ giới tính khi sinh bắt đầu có hiện tượng mất cân bằng. Theo thống kê nam/nữ là 109/100
Việt Nam đã tiếp tục duy trì được mức sinh thay thế. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trung bình 2,09 con; khắc phục cơ bản mức tăng dân số trở lại, chất lượng dân số dần được nâng cao. Tuy vậy, qui mô dân số ở Việt Nam vẫn ở mức cao, bình quân hằng năm tăng 1,3%. Tỷ lệ giới tính khi sinh bắt đầu có hiện tượng mất cân bằng. Theo thống kê nam/nữ là 109/100”.
Thông điệp của Liên Hợp Quốc, chủ đề của Ngày dân số Thế giới năm 2007 là “Nam giới bạn đồng hành trong chăm sóc sức khoẻ bà mẹ” nhằm kỷ niệm 20 năm sang kiến toàn cầu về làm mẹ an toàn. Mỗi năm trên thế giới ước tính có 1 triệu phụ nữ bị tử vong do sinh đẻ và những tai biến trong quá trình thai nghén. Đây thực sự là vấn đề hết sức cấp bách đối với cộng đồng quốc tế, nhưng có thể ngăn ngừa được nếu có sự tham gia tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là nam giới./.