Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe giới thiệu về Luật Bình đẳng giới; Nghiên cứu về vai trò của nữ ĐBQH trong 11 nhiệm kỳ; Hoạt động lập pháp của QH với việc phát huy vai trò đại diện nhân dân của ĐBQH trong việc thúc đẩy bình đẳng giới...
Báo cáo thực trạng vấn đề bình đẳng giới ở nước ta qua hoạt động giám sát trình bày tại Hội thảo cho thấy: Quy định pháp luật về bình đẳng giới đã được hoàn thiện cơ bản với những điều luật trong Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới và được lồng ghép trong các Luật Bầu cử ĐBQH, Bộ luật Dân sự, Luật Tổ chức HĐND và UBND... Theo báo cáo, xếp hạng chỉ số phát triển giới (GDI) Việt Nam đứng thứ 80/136 quốc gia trên thế giới; Tỷ lệ lao động nữ có việc làm đã chiếm 46,5% tổng số lao động nữ cả nước. Tuy nhiên, thu nhập trung bình của lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam khoảng 14%; Một số chỉ tiêu của giai đoạn 1 Chiến lược Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ về giảm tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở thành thị, tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan lãnh đạo... vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Các đại biểu cho rằng cần tăng cường công tác giải thích, phổ biến Luật Bình đẳng giới, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) và các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về vấn đề này để người dân chấp hành, tuân thủ đúng luật pháp; Cần nghiên cứu, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật; Nghiên cứu vấn đề bình đẳng giới cụ thể trong từng thành phần dân cư, ngành nghề, khu vực miền núi... để có đánh giá chi tiết và hoạch định chính sách đáp ứng nhu cầu xã hội.
Hội thảo hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án Hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật (DANIDA).