HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT, TẠO TIỀN ĐỀ THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO PHÁP TRIỂN

15/09/2022

“Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo tiền đề thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển… “ là quan điểm của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Thể chế về nông nghiệp công nghệ cao thực trạng và giải pháp hoàn thiện” do Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức vào sáng 15/9, tại Hà Nội.

Hoàn thiện chính sách, pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển

Hội thảo "Thể chế về nông nghiệp công nghệ cao thực trạng và giải pháp hoàn thiện"

Chính sách pháp luật về nông nghiệp công nghệ cao

Xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó nông nghiệp công nghệ cao là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, cho đến nay đã có trên 10 văn bản luật liên quan đến phát triển ngành kinh tế nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, như: Luật Hợp tác xã (2012), Luật Đất đai (2013), Luật Công nghệ cao (2008), Luật Sở hữu trí tuệ (2009), Luật Chăn nuôi,…

Bên cạnh đó, hàng trăm văn bản dưới luật, như: Quyết định 69/2010/QĐ-TTg ngày 03/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Quyết định 66/2015/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Thông tư 50/2011/TT- BNNPTNN ngày 15/7/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện quyết định số 69/2010/QĐ-TTG ngày 03 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;… đã được ban hành.

Cùng với hệ thống pháp luật, Đảng và Nhà nước còn ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình, Đề án về phát triển ngành kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Cụ thể, ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp đó, Chính phủ và các bộ ngành ban hành nhiều văn bản liên quan đến thúc đẩy, triển khai áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cụ thể: Ngày 29/01/2010 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 176/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020; ngày 17/12/2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1895/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020; ….

Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến và thống nhất ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn 2045. Theo đó, xác định tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; hướng đến phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết,…

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Còn tồn tại chồng chéo, chưa đồng bộ

Nhấn mạnh chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước đã góp phần thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng, đã và đang tạo động lực cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, Nêu ý kiến tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hệ thống chính sách và pháp luật về lĩnh vực này hiện còn tồn tại chồng chéo, chưa thực sự đồng bộ.

Theo TS. Trương Văn Dũng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thể chế chính sách, pháp luật về lĩnh vực này còn bất cập, nhất là chính sách, pháp luật về đất đai, tín dụng, bảo vệ môi trường, về ứng dụng khoa học, kỹ thuật, phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến nông sản, về bảo hiểm nông nghiệp, về phát triển các hình thức liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng….

TS. Trương Văn Dũng đề nghị, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả nghiên cứu, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp và tổ chức khoa học và công nghệ; hỗ trợ và tạo điều kiện cho ứng dụng, sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ cao; nâng cao nhận thức xã hội  về vai trò và tác động của công nghệ cao. Đồng thời, có cơ chế, chính sách đủ đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản làm nòng cốt thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi…

Ngoài ra, TS. Trương Văn Dũng nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ, phát huy nguồn lực đầu tư bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Trước hết, cần hoàn thiện pháp luật về đất đai, để thuận lợi cho việc quy hoạch, tích tụ, tập trung đất đai, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa và đi lên sản xuất lớn hiện đại.

“Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai bảo đảm nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân; tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trong lĩnh vực đất đai phải phù hợp với cơ chế thị trường; khắc phục tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh…”, Theo TS. Trương Văn Dũng nêu đề xuất.

Cho ý kiến về nội dung này, bà Chu Diễm Hằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững, các địa phương đã và đang tập trung thực  hiện các giải pháp nhằm phá bỏ những rào cản mà các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang phải đối mặt. Trong đó, trọng tâm là thực hiện tích tụ, tập trung đất đai; thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và chính sách hỗ trợ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt việc nghiên cứu, tuyển chọn, chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; nhất là công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm.

Bà Chu Diễm Hằng kiến nghị, Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về khu công nghệ cao, trong đó xác định khung mô hình quản lý nhà nước và cơ chế phân cấp, ủy quyền hoạt động quản lý nhà nước dưới sự giám sát của Bộ chủ quản, từng bước tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện mô hình quản lý, tạo đà phát triển các khu công nghệ cao trên cả nước. Về dài hạn, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện Nghị định định nêu trên để phát triển các khu công nghệ cao, trong đó có nội dung điều chỉnh mô hình quản lý, phân quyền,phân cấp ủy quyền đối với Ban Quản lý.

Tán thành với các quan điểm trước đó, Ths. Nguyễn Thị Bảo Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, để hạn chế và xóa bỏ những rào cản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp cao ở nước ta, các cơ quan, ban, ngành trong việc hoạch định các chính sách cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó , cần hoàn thiện các chính sách , pháp luật để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ cao và hoàn thiện các chính sách, pháp luật về sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn.

Cũng theo Ths. Nguyễn Thị Bảo Nga, cần sớm hoàn thiện pháp luật về đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất theo hướng nới rộng hạn điền cho các chủ thể trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Chính phủ cần có các quy định và giám sát chặt chẽ trong việc quy hoạch, thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo diện tích đất nông nghiệp không bị suy giảm. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin liên quan đến sử dụng đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư.

Khẳng định văn bản pháp luật có tác động to lớn trong xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, Ths. Nguyễn Trung Vũ, Viện Kinh tế và phát triển cho rằng, đây là cơ sở tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Văn bản pháp luật phù hợp sẽ phát huy được tính năng động của các chủ thể sản xuất, kinh doanh, khai thác tốt nhất mọi tiềm năng thế mạnh của đất nước, tạo thuận lợi, thúc đẩy nông nghiệp phát triển và ngược lại.

Ths. Nguyễn Trung Vũ, Viện Kinh tế và phát triển phát biểu tại hội thảo

Phân định quy định của pháp luật trong lĩnh vực này, Ths. Nguyễn Trung Vũ cho biết, trong các văn bản pháp luật về chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp thì đối tượng được hỗ trợ  là doanh nghiệp, trong khi đó người sản xuất nông nghiệp thường có quy mô nông hộ hoặc trang trại rất ít doanh nghiệp. Do đó, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ nông dân, chủ các trang trại tổ chức lại sản suất, cải tạo đất đai và tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào sản xuất lớn, từ đó mới hình thành các doanh nghiệp nông nghiệp lớn.

Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo Ths. Nguyễn Trung Vũ các bộ  ngành cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đơn giản hóa thủ tục cho vay, hoàn thiện tiêu chí doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao theo hướng định lượng rõ ràng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất; sửa đổi quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao nhằm giúp cho các chủ thể sản xuất kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao thực hiện vay vốn ngân hàng; …

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn cho ý kiến về thực trạng triển khai văn bản quy phạm pháp luật về nông nghiệp công nghệ cao, những tồn tại về chính sách nông nghiệp công nghệ cao, các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao;…

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, hội thảo nằm trong Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2022 của đề tài khoa học cấp Bộ: “Pháp luật về nông nghiệp công nghệ cao: Thực trạng và giải pháp”, mã số ĐTCB.2021-10 do PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường làm Chủ nhiệm.Trong đó, đòi hỏi sự đồng bộ giữa pháp luật về đất đai, quy hoạch, kinh tế,… để khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. 

TS. Lê Hải Đường nhấn mạnh, nội dung Đề tài có tính cấp thiết, nhiều vấn đề nghiên cứu liên quan đến một số dự án Luật dự kiến trình Quốc hội  tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022), do đó Ban Chủ nhiệm đề tài cần rà soát, tiếp thu các ý kiến thảo luận tại hội thảo, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện Đề tài đảm bảo chất lượng cao. Trong đó, lưu ý đưa ra 05 kiến nghị/đề xuất trọng tâm liên quan đến vấn đề đất đai trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quy hoạch, vấn đề nguồn lực con người, nguồn vốn,… Đồng thời, xây dựng báo cáo làm thông tin tham khảo gửi các vị đại biểu Quốc hội phục vụ cho quá trình thẩm tra, cho ý kiến về các nội dung có liên quan./.

Lê Anh