SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: THÁO GỠ VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN, BẢO ĐẢM THỐNG NHẤT VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT

09/09/2022

Sáng ngày 09/9, tại Hà Nội, nhằm góp phần cung cấp thông tin phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách tổ chức tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)”.

Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm đồng chủ trì tọa đàm với sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Học viện Tài chính, các chuyên gia, nhà khoa học,…

Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013; đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước. Luật giá được ban hành thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với các cam kết quốc tế. 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển nhấn mạnh, thực tiễn sau 10 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật giá đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định đòi hỏi phải kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của tình hình mới. Đồng thời, việc sửa đổi cũng bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

TS. Nguyễn Văn Hiển cũng cho biết, dự kiến Dự án Luật Giá (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (10/2022) tới đây và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Với tinh thần khẩn trương, đảm bảo dự án luật đạt chất lượng cao nhất, TS. Nguyễn Văn Hiển đề nghị các chuyên gia góp ý trực diện, thẳng thắn vào các quy định tại dự thảo, giúp cho cơ quan thẩm tra, các vị đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ khoa học, góc nhìn đa chiều khi xem xét, cho ý kiến về dự án Luật.

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến các nội dung về: phạm vi điều chỉnh; quy định về thẩm định giá; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá; kinh doanh dịch vụ thẩm định giá…

Nhiều ý kiến đại biểu nhận định, quản lý nhà nước về giá vừa là công cụ, vừa là một trong những đòn bẩy có tính quyết định, bảo đảm sự thành công của các tác động quản lý khác. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, cơ chế chính sách quản lý của Nhà nước về giá thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự phù hợp với sự phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay. Tình trạng độc quyền, liên minh độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá nhằm thu lợi nhuận không chính đáng ở một số ngành, lĩnh vực ảnh hưởng đến người tiêu dùng nhưng chưa được kiểm soát kịp thời. Do đó, theo các đại biểu cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để dự án Luật Giá (sửa đổi) sau khi ban hành sẽ thực sự đi vào cuộc sống, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống pháp luật, góp phần thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý, điều hành giá trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhấn mạnh các nội dung quy định tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) về cơ bản đã khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật Giá năm 2012, góp phần hoàn thiện hơn nữa cơ chế điều hành giá theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường, đồng thời bảo đảm vai trò điều tiết giá của Nhà nước.

Ngoài ra, các đại biểu cũng lưu ý, cần rà soát kỹ lưỡng các quy định sửa đổi, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh xung đột với các luật khác trong hệ thống pháp luật; các quy định cũng phải phù hợp, khả thi, khắc phục triệt để những khó khăn, vướng mắc đã được nhận diện, đồng thời phải có tính linh hoạt trong các trường hợp để ứng phó kịp thời với các tình huống phát sinh trong thực tiễn có tác động ảnh hưởng đến nền kinh tế;.../.

Lan Anh