SỬA ĐỔI TOÀN DIỆN LUẬT HỢP TÁC: TẠO ĐIỀU KIỆN THUẬN LỢI PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ, HỢP TÁC XÃ

06/09/2022

Chiều 06/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tọa đàm “Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”. TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế đồng chủ trì tọa đàm.

Hoàn thiện chính sách pháp luật thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển

Tọa đàm “Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)"

Tham dự tọa đàm có: đại diện các cơ quan như: Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; … cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Nghiên cứu pháp luật về Kinh tế - Xã hội; Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (AMI); Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam; Học viện Tài chính; Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam;…

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Phạm Thị Hồng Yến cho biết, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 đã tạo các khung khổ pháp lý cơ bản vững chắc tác động tích cực tới phát triển kinh tế tập thể, HTX trên nhiều mặt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật HTX năm 2012 còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn, góp phần luật hóa chủ trương của Đảng.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến cũng cho biết, dự án Luật HTX (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua vào kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023) nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý về các loại hình kinh tế tập thể, tổ chức đại diện... Do đó, các ý kiến phát biểu tại tọa đàm sẽ được Thường trực Ủy ban Kinh tế nghiên cứu, tiếp thu, làm cơ sở để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Sau đó, tiếp tục hoàn thiện để chuẩn bị Phiên họp thẩm tra chính thức của Ủy ban Kinh tế, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế phát biểu tại tọa đàm

Dự thảo Luật số 6 lần này gồm 115 điều, bổ sung nhiều nội dung mới, mở rộng phạm vi điều chỉnh, mở rộng thị trường, năng cao khả năng huy động vốn; sửa đổi các nội dung theo 07 nguyên tắc do tổ chức Liên minh HTX quốc tế quy định;…

Tại tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung mới trong Dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Đồng thời, góp ý cụ thể vào tên gọi của Luật, phạm vi điều chỉnh/đối tượng áp dụng, quan điểm/nguyên tắc xây dựng dự thảo luật, quy định cắt giảm thủ tục hành chính về thành lập HTX, quy định về tổ chức quản lý HTX, quy định về tài sản, tài chính trong HTX, quy định về thành viên, cơ cấu tổ chức của HTX;..

Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần sớm ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện hội nhập. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 cần quán triệt, bám sát và thể chế hoá đúng và đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; tiếp thu và áp dụng các vấn đề về bản chất, nguyên tắc hoạt động và giá trị HTX phổ biến ở các nước trên thế giới; quy định pháp luật về HTX của các nước phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đảm bảo sự tương thích về khung khổ pháp luật giữa các loại hình tổ chức kinh tế ở trong nước, nhất là Luật HTX và Luật Doanh nghiệp để tạo môi trường thể chế bình đẳng.

Theo các đại biểu, quy định của Luật HTX (sửa đổi) cần đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với đối tượng điều chỉnh, chủ yếu là các cá nhân, hộ gia đình và người lao động ở địa bàn nông thôn; kế thừa những quy định của Luật HTX năm 2012 phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất với các văn bản Luật khác có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tập thể; chỉnh sửa những quy định nhằm khắc phục bất cập, khó khăn và tồn tại của Luật HTX năm 2012; bổ sung những quy định mới đã có căn cứ tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế tập thể ở trong nước, tránh phát sinh những vướng mắc về thể chế và trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính khả thi;…

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị, bổ sung một Điều quy định về Ngày Hợp tác xã Việt Nam (Ngày 11/4 hàng năm); bổ sung tổ hợp tác thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật HTX;… Đồng thời, sửa đổi quy định về việc kết nạp thành viên theo hướng tạo điều kiện tối đa cho mọi cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, tự nguyện tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường góp ý vào dự thảo Luật

Nêu quan điểm tại tọa đàm, PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, không cần thiết đưa Tổ hợp tác vào Luật này vì đã có Bộ luật Dân sự quy định. “Nội dung về Tổ hợp tác trong dự thảo Luật rất mờ nhạt không hơn gì nội dung mà Bộ luật Dân sự đã quy định. Ở đây chủ yếu yêu cầu họ đăng ký, chứ chưa nói rõ chính sách nào hỗ trợ họ phát triển. Nếu chỉ để biết thông tin thì có nhiều chính sách, quy định khác. Tổ hợp tác cần sự đơn giản thuận tiện. Nếu quy định phức tạp quá về đăng ký có thể nông dân sẽ chuyển sang các hình thức khác không phải đăng ký như nhóm sở thích, câu lạc bộ… đã tồn tại từ lâu.”, PGS. TS. Đào Thế Anh lý giải.

Cũng theo PGS.TS Đào Thế Anh nên phân loại thành viên với các mức đóng góp khác nhau tuy nhiên không nên chia lợi nhuận theo vốn góp vì dễ bị nhầm sang cơ chế đối vốn của doanh nghiệp, đã có Luật Doanh nghiệp quy định. Trong dự thảo kết hợp cả hai hình thức chia lợi nhuận theo mức độ sử dụng dịch vụ và theo vốn góp dễ gây nhầm lẫn. Các thuật ngữ “ là chủ yếu” không nên sử dụng trong Luật vì không cụ thể có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Muốn tăng vốn để kinh doanh cho HTX cần phải có các giải pháp tín dụng nội bộ huy tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, một số đại biểu cũng kiến nghị: bổ sung thêm khái niệm về huy động vốn; đề xuất rõ về cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuê đất, thuê mặt nước cho tổ chức kinh tế hợp tác trong dự thảo  uật Đất đai (sửa đổi); quy định về kiểm toán độc lập;…

Kết luận tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu. Nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phức tạp, chuyên môn sâu,.. TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét bổ sung, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây (10/2022).

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:

 

Toàn cảnh tọa đàm “Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và PGS.TS Phạm Thị Hồng Yến, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế đồng chủ trì tọa đàm

Baà Lê Thị Xuân Quỳnh, Cục Phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tổng quan về Dự thảo Luật và làm rõ về các nội dung mới trong Dự thảo

Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, cần giữ nguyên tên “Luật Hợp tác xã”. Lập luận về quan điểm này, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường cho biết,  HTX là nòng cốt, đại diện và đặc trưng cho thành phần kinh tế tập thể. Tổ hợp tác, liên hiệp HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác được xác định là hình thức phái sinh của HTX. Do đó, việc giữ nguyên tên gọi “Luật Hợp tác xã” nhưng vẫn đảm bảo bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đối với các tổ chức kinh tế tập thể là phù hợp.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Góp ý dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)”

Một số chuyên gia kiến nghị, cần bổ sung thêm khái niệm về huy động vốn; đề xuất rõ về cơ chế, chính sách hỗ trợ về thuê đất, thuê mặt nước cho tổ chức kinh tế hợp tác trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); quy định về kiểm toán độc lập;…

Ông Trịnh Quang Hân, Vụ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương phân tích những vấn đề đặt ra trong việc thể chế hóa Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của BCHTW Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới dối với công tác xây dựng chính sách, pháp luật về HTX

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu. Nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, phức tạp, chuyên môn sâu,.. TS. Nguyễn Văn Hiển cho biết, kết quả của tọa đàm sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra xem xét bổ sung, hoàn thiện dự án Luật trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV tới đây (10/2022).

Các đại biểu đều thống nhất, đây là dự án luật rất cấp thiết, cần sớm ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã trong điều kiện hội nhập. Đồng thời, các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 cần quán triệt, bám sát và thể chế hoá đúng và đầy đủ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ...

Lê Anh - Minh Hùng