THỰC TRẠNG SỬ DỤNG TIẾNG VIỆT VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LUẬT VỀ TIẾNG VIỆT

15/10/2021

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2021 của Đề tài cấp Bộ “Đề xuất chính sách xây dựng Luật về tiếng Việt - Lý luận và thực tiễn, mã số: ĐTCB.2020-03”, sáng 15/10, Ban Chủ nhiệm đề tài và Viện Nghiên cứu lập pháp phối hợp tổ chức Hội thảo “Thực trạng sử dụng tiếng Việt và những đề xuất chính sách đối với Luật về tiếng Việt”.

 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có: các thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài, các thành viên Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; nguyên thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; các nhà lập pháp và các đại biểu, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Cần thiết ban hành Luật Ngôn ngữ

Thời gian gần đây, thực trạng ngôn ngữ (cụ thể là tiếng Việt) đang có biểu hiện lộn xộn, lệch lạc, làm ảnh hưởng tới sự trong sáng của tiếng Việt , dư luận đã có nhiều ý kiến đề nghị ban hành Luật Tiếng Việt để có căn cứ định hướng, uốn nắn và giám sát các hoạt động ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp sao cho quy củ, nền nếp, khẳng định vị trí, vai trò của Tiếng Việt.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, mục đích của buổi hội thảo là nhằm tổng hợp các ý kiến góp ý làm cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật cho Luật Ngôn ngữ hoặc Luật Tiếng Việt. Đây là vấn đề đã được dư luận quan tâm khá mạnh mẽ, nhiều ý kiến đã được đề xuất từ nhiều năm nay trên diễn đàn Quốc hội, trong các công trình nghiên cứu, bài viết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, việc mong muốn có hành lang pháp lý đủ mạnh, có luật cho vấn đề ngôn ngữ nói chung là mong muốn thực tế. Nhiều câu hỏi đặt ra từ thực tiễn hoạt động của tiếng Việt, sự phát triển cũng như những bất cập hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa mong muốn hội thảo sẽ nhận được các ý kiến khách quan, tâm huyết từ các đại biểu về vấn đề này.

Qua thảo luận, các đại biểu đều cho rằng, trên thế giới đã có nhiều Luật Ngôn ngữ được ban hành, Việt Nam cũng yêu cầu cần có Luật Ngôn ngữ/ Luật Ngôn ngữ quốc gia/Luật Tiếng Việt. Các đại biểu nhấn mạnh, luật pháp có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt nên Luật Ngôn ngữ cũng cần đặc biệt uyển chuyển để phù hợp với tình hình thực tế cụ thể của từng quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Thực tế đã cho thấy rằng Luật Ngôn ngữ nào cũng là kết quả của sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên ngành, là kết tinh trí tuệ tập thể các nhà khoa học, nhà chính trị, nhà hoạt động xã hội và các thành viên trong cộng đồng ngôn ngữ mà luật đó hành chức. 

Bảo đảm sự bình đẳng của mọi ngôn ngữ trong quá trình xây dựng Luật

Các đại biểu nêu rõ, xây dựng Luật Ngôn ngữ là xác lập một chủ quyền dân tộc trong lĩnh vực tiếng nói chữ viết của một quốc gia. Nếu như một đất nước đơn ngữ (như Triều Tiên chẳng hạn) duy nhất có một dân tộc, một tiếng nói, một chữ viết thì điều này đơn giản, còn hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có không ít hơn 1 dân tộc. Ấn Độ, ngoài tiếng Anh còn 34 tiếng các dân tộc khác; nước Nga, ngoài tiếng Nga có 34 tiếng dân tộc khác; Indonesia có 11 dân tộc; Papua New Guinea, ngoài 3 ngôn ngữ sử dụng chính thức là tiếng Anh, tiếng Tok Pisin, tiếng Motu có gần 860 ngôn ngữ được sử dụng.

Về nguyên tắc, các đại biểu cho rằng, mỗi dân tộc (mà đại diện là tiếng nói là hoàn toàn bình đẳng, không phân biệt ngôn ngữ đó thuộc dân tộc đa số hay thiểu số. Vì vậy, Luật Ngôn ngữ là bộ luật chung cho mọi ngôn ngữ đang có trong quốc gia đó. Tất nhiên, sẽ có một ngôn ngữ chính thức được chọn là ngôn ngữ quốc gia (chẳng hạn như tiếng Việt), thì sẽ có một văn bản dưới luật, hướng dẫn riêng về những quy định và quy cách sử dụng.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam Phạm Văn Tình cho biết, Việt Nam có 54 dân tộc. Ít nhất là sẽ có 54 ngôn ngữ (vì có ngôn ngữ tồn tại vài thứ tiếng riêng biệt, khác nhau). Do vậy khi xây dựng Luật Ngôn ngữ ở nước ta, chúng ta cần phải quan tâm đến việc thể hiện sự tôn trọng và quyền bình đẳng đối với mọi ngôn ngữ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhà nước có trách nhiệm bảo tồn, phát triển sự đa dạng ngôn ngữ các dân tộc. Luật cũng quy định trong trường hợp nào được sử dụng ngôn ngữ dân tộc.

Bên cạnh đó, trong một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, phải lựa chọn và phong khẳng định, ngôn ngữ nào là Ngôn ngữ Quốc gia, tức là "Quốc ngữ" (bao gồm tiếng nói và chữ viết) được sử dụng chính thức trong giao tiếp và trong mọi văn bản hành chính nhà nước, trong hệ thống giáo dục, trong sách vở, báo chí - truyền thông - quảng cáo, trong các văn bản khoa học, văn học nghệ thuật…  Đại biểu nêu rõ, Tiếng Việt hiện tại là Ngôn ngữ chính thức của nước ta, được sử dụng trong các văn bản hành chính, giáo dục, lực lượng vũ trang, truyền thông, văn học... Tuy nhiên, điều khoản này chưa được "luật hoá" thành Ngôn ngữ Quốc gia (vì chưa có Luật Ngôn ngữ). Do vậy, chúng ta phải xem xét đề xuất xây dựng Luật Ngôn ngữ chứ không phải Luật Tiếng việt.

Đồng tình với ý kiến này, các đại biểu tại hội thảo cũng cho rằng, tên gọi của Luật nên thống nhất là Luật Ngôn ngữ. Mọi ngôn ngữ đều bình đẳng không phân biệt dân số đông hay ít. Luật sẽ xác định rõ đâu là ngôn ngữ quốc gia đâu với ngôn ngữ mẹ đẻ và có những quy định hài hòa, không gây xung đột nhau. Bên cạnh đó, Luật cũng cần quan tâm quy định rõ liên quan đến phương ngữ, ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số, hệ thống từ vựng chuẩn, chính tả…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa

Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị, Luật Ngôn ngữ cũng cần phải xác định rõ trách nhiệm và quyền lợi của mọi công dân trong việc thực thi Luật Ngôn ngữ. Ví dụ một người thuộc dân tộc thiểu số có quyền nói ngôn ngữ dân tộc họ, nhưng khi đi học hoặc giao tiếp cộng đồng phải sử dụng ngôn ngữ chính thức là tiếng Việt, văn bản các cơ quan công quyền gửi tới đương sự cũng phải là tiếng Việt.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - Chủ nhiệm Đề tài Nguyễn Thị Mai Hoa ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu tại hội thảo; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung đề tài nghiên cứu này trong thời gian tới theo hướng dựa trên sự bảo đảm bình đẳng đối với mọi ngôn ngữ trong quá trình xây dựng Luật./.

Thu Phương – Minh Thành