GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

09/09/2021

Sáng 09/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo ''Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)" nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, thu thập ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

 

Toàn cảnh Hội thảo.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt và TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo còn có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính, đại diện Văn phòng Chính phủ, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện Học viện Ngân hàng, đại diện Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (Bộ Tư pháp), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các công ty bảo hiểm…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nêu rõ, Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi, thảo luận, đóng góp các ý kiến để Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra, phối hợp với cơ quan soạn thảo để hoàn thiện Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung hai lần vào năm 2010 và năm 2019 để đáp ứng các cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Đến nay sau 20 năm thi hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã phát huy tác dụng trên thực tế và đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo khung pháp lý cao cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển và đóng góp cho nền kinh tế nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập như sự thiếu thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và chưa theo kịp với các thông lệ quốc tế. Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lần này về cơ bản giữ nguyên bố cục của luật hiện hành, gồm 8 chương, 156 điều.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đình Việt.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt nhấn mạnh, với quá trình chuẩn bị công phu, tích cực, cơ quan soạn thảo Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, kỳ vọng của xã hội, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp. Với tinh thần cầu thị, mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp mong muốn với tâm huyết, trách nhiệm và sự nghiên cứu chuyên sâu của mình, các chuyên gia sẽ có nhiều đóng góp cho Ủy ban Kinh tế và Viện Nghiên cứu lập pháp cũng như cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính có thể hoàn thiện Dự án luật tốt nhất, có tính khả thi cao nhất, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia thảo luận, đóng góp ý kiến hoàn thiện các quy định pháp lý về đảm bảo an toàn, phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp ý hoàn thiện quy định về doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm, góp ý một số quy định về hợp đồng bảo hiểm, thảo luận, cho ý kiến về nhu cầu và hiệu quả hoạt động bảo hiểm tương hỗ và bảo hiểm vi mô trong các hợp tác xã, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất kiến nghị về nội dung này. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp ý kiến về những thay đổi trong quy định về quản lý và giám sát kinh doanh bảo hiểm, góp ý hoàn thiện các quy định về chủ thể kinh doanh bảo hiểm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi và bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đã hình thành và phát triển, nền kinh tế Việt Nam đã và đang là nền kinh tế thị trường mở cửa và hội nhập. Với quan điểm đây là hoạt động kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, các đại biểu đề nghị trong luật sửa đổi cần có những quy định mang tính pháp lý để phòng ngừa gian lận trong tất cả các khâu, các nghiệp vụ, các hành vi trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Các đại biểu, chuyên gia góp ý Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hình thức trực tuyến.

PGS.TS Đặng Văn Thanh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam cho rằng lần này cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm hoàn thiện và toàn diện hơn để phòng ngừa tổn thất, phòng chống gian lận và bảo vệ đối tượng được bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ông Đặng Văn Thanh đề nghị cần tập trung hơn vào nội dung này vì hoạt động kinh doanh bảo hiểm dễ gặp rủi ro, tổn thất và có những gian lận, sai sót. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung, trong đó có doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, do đó cần nhận thức đúng và đầy đủ về kinh doanh bảo hiểm và vai trò của nó trong nền kinh tế để có những chế tài cần thiết.

Liên quan đến quy định về các hành vi nghiêm cấm (Điểu 10), PGS.TS Đặng Văn Thanh đề nghị cần tính toán thêm, quy định thật rõ, cụ thể và đầy đủ các hành vi trong tất cả các khâu của kinh doanh bảo hiểm, của các đối tượng tham gia trong hoạt động bảo hiểm và kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt cần quan tâm không chỉ hành vi của doanh nghiệp bảo hiểm và người thụ hưởng, người được bảo hiểm mà cả cá hành vi của người môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cộng tác viên…

Về các biện pháp đề phòng tổn thất quy định tại mục 5 chương II, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng cần có những biện pháp tốt hơn để đề phòng tổn thất như biện pháp tài chính, biện pháp kiểm tra, kiểm soát, biện pháp về nhân lực, đặc biệt cần nhận diện đầy đủ những tổn thất trong kinh doanh bảo hiểm để hạn chế những tổn thất đối với nền kinh tế, với xã hội mà hoạt động kinh doanh bảo hiểm có thể gây ra. Ông Đặng Văn Thanh cũng đề nghị cần có những quy định pháp lý mang tính đặc thù với những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Đồng thời cần quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền của Tổ chức nghề nghiệp bảo hiểm quy định tại Điều 11.

Góp ý hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm trong Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga, Trưởng phòng Pháp chế và Tuân thủ, Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định chi tiết hơn và điều chỉnh cụ thể cả về doanh nghiệp tái bảo hiểm. Đối với nhóm quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động, Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga cho biết, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bỏ khái niệm “bảo hiểm tử kỳ”, trong khi đó trường hợp kinh doanh sản phẩm tử kỳ có thời hạn dài hơn 1 năm thì doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoặc bảo hiểm sức khỏe có phải trích lập dự phòng và tính yêu cầu về khả năng thanh toán tương tự như doanh nghiệp nhân thọ hay không? Vì thế, Luật sư Phí Thị Quỳnh Nga đề nghị điểm c Khoản 3 Điều 67 cần được cân nhắc loại bỏ khỏi Dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Ủy viên Thường trực ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh.

Đóng góp ý kiến về Dự thảo Luật này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh đề nghị cần luật hóa những vấn đề bảo hiểm trong thực tiễn để đưa vào Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đồng thời cần tập trung ưu tiên đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu của bảo hiểm thương mại và phải ấn định thời gian hoàn thành vấn đề này. Vì hiện nay công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu bảo hiểm còn phân tán và manh mún, không có đầu mối tập trung. Do đó, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, của Hiệp hội quản lý như thế nào và đánh giá tác động của vấn đề này.

Đề cập thị phần về doanh số và tài sản, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng, bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe là lớn nhất, tiếp đến là bảo hiểm phi nhân thọ. Trong bảo hiểm phi nhân thọ, chính sách về Bảo hiểm nông nghiệp hiện chưa bứt phá, do vậy đề nghị cần ưu tiên và quan tâm hơn nữa đến chính sách bảo hiểm cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đại biểu nhấn mạnh đến vấn đề quản trị rủi ro. Cho rằng đây là vấn đề còn yếu trong ngành bảo hiểm nước ta, để khắc phục được yếu kém này, đại biểu Đỗ Văn Sinh đề nghị cần tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức bộ máy doanh nghiệp, có quỹ phòng ngừa rủi ro và xem xét kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến vấn đề này, góp phần tạo điều kiện và môi trường để ngành kinh doanh bảo hiểm phát triển bền vững.

TS. Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu kết luận Hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Hội thảo có 15 ý kiến, góp ý rất chất lượng, đi thẳng vào vấn đề, nôi dung tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn mà dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) nêu ra. Cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế tiếp tục lắng nghe các ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Ủy ban, Viện Nghiên cứu lập pháp tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tài liệu để gửi cho các vị đại biểu và các cơ quan chức năng liên quan, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 13/9 tới./.

Bích Ngọc - Minh Thành