LUẬT CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG: TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ, GÓP PHẦN XÂY DỰNG CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, HIỆN ĐẠI

07/09/2021

Chiều 7/9, tại Nhà Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức hội thảo trực tuyến “Góp ý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động”. TS.Nguyễn Văn Hiển Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng chủ trì hội thảo.

 

Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động”

Tham dự hội thảo có: đại diện Thường trực một số Ủy ban của Quốc hội, đại diện Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo; cùng các chuyên gia đến từ Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân, Học viện Cảnh sát nhân dân, Đại học Luật Hà Nội;…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, Pháp lệnh được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

TS.Nguyễn Văn Hiển Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhấn mạnh, sau 7 năm triển khai thi hành pháp lệnh, lực lượng cảnh sát cơ động đã phát huy được vai trò là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt là triển khai thực hiện các phương án tác chiến trấn áp kịp thời mọi hoạt động gây phương hại đến an ninh, trật tự, bạo loạn vũ trang, … Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động. Trước sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự thay đổi, điều chỉnh của hệ thống pháp luật, diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ đối với Cảnh sát cơ động ngày càng nặng nề hơn. Do vậy, dự án luật Cảnh sát cơ động được xây dựng nhằm mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới là cần thiết .

Tán thành với sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động, Ths. Đậu Công Hiệp - Khoa Pháp luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dự án Luật Cảnh sát cơ động có đối tượng điều chỉnh hết sức quan trọng, liên quan đến một trong những lực lượng vũ trang có vai trò cốt yếu trong bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Phát triển lên từ Pháp lệnh Cảnh sát cơ động ra đời từ năm 2013, dự án luật Cảnh sát cơ động hướng tới việc xây dựng đội ngũ cảnh sát cơ động hiệu lực, hiệu quả. Để có thể đạt được mục tiêu này, một trong những nội dung quan trọng được quy định là vấn đề vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động.

Theo Ths. Đậu Công Hiệp, về mặt nội hàm khái niệm cũng như kỹ thuật pháp lý, có thể quy định về vị trí, chức năng của lực lượng Cảnh sát cơ động như sau Cảnh sát cơ động là thành phần của Công an nhân dân Việt Nam, đóng vai trò là lực lượng vũ trang nhân dân chuyên trách, nòng cốt thực hiện các biện pháp vũ trang chuyên nghiệp/đặc biệt để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Chuyên gia tham gia thảo luận theo hình thức trực tuyến

Góp ý các quy định cụ thể liên quan đến các biện pháp công tác và việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động, TS.Nguyễn Quang Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, quy định tại Dự thảo, nhìn chung đã khắc phục được những hạn chế của Pháp lẹnh năm 20113. Các đánh giá tác động chỉ ra về cơ bản là không tạo ra những tác động tiêu cực lớn về kinh tế; xã hội; về pháp luật; không làm phát sinh các thủ tục hành chính và không làm phát sinh các vấn đề liên quan đến giới.  

Ngoài ra, TS.Nguyễn Quang Đức đã đưa ra nhiều góp ý cụ thể về mặt thuật ngữ trong quy định về các biện pháp công tác (Điều 13, Dự thảo lần 5); Quy định về việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ , công cụ hỗ trợ của Cảnh sát cơ động (Điều 17, Dự thảo lần 5).

Cũng tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ một số nội dung trọng tâm của dự thảo Luật như: Vấn đề xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; Quy định về vị trí, vai trò của Cảnh sát cơ động; Phân định các trường hợp và thẩm quyền điều động Cảnh sát cơ động ra quân thực hiện nhiệm vụ; Bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Cảnh sát cơ động;… nhằm tiếp tục hoàn thiện các quy định tại dự thảo Luật Cảnh sát cơ động.

Phát biểu tại hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh - đại diện Ban soạn thảo, ghi nhận ý kiến đóng góp tâm huyết của các đại biểu liên quan đến nội dung dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo sẽ được Ban soạn thảo phân tích, nghiên cứu để tiếp thu đầy đủ; đối với những vấn đề chưa rõ sẽ báo cáo giải trình, làm rõ.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh nhấn mạnh, Luật Cảnh sát cơ động là luật chuyên ngành cho lực lượng Cảnh sát cơ động có căn cứ, cơ sở khi ra quân thực hiện nhiệm vụ được giao. Đối với một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, Ban soạn thảo đã có tiếp thu và giải trình ý kiến với các Bộ, ngành đảm bảo quy định về vị trí, chức năng, vai trò không bị chồng chéo giữa các lực lượng. Trên tinh thần cầu thị, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu đảm bảo dự thảo được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

TS.Nguyễn Văn Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp; Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đồng chủ trì hội thảo

Cho ý kiến tại hội thảo, Thiếu tướng GS.TS Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, dự án Luật Cảnh sát cơ động là một trong 7 dự án luật đầu tiên trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 tới đây. Ghi nhận các ý kiến tại hội thảo, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp và cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, thấu đáo những phân tích, lập luận của các nhà khoa học.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần xây dựng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh khẳng định, dự thảo Luật cảnh sát cơ động sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trở thành một văn bản quy phạm pháp luật đúng nghĩa được nâng từ Pháp lệnh lên thành luật; tạo được sự đồng thuận cao khi bấm nút thông qua, và hiệu quả cao khi luật đi vào thực tiễn cuộc sống.

Kết luận hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp TS.Nguyễn Văn Hiển cho biết, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm hội thảo đã hoàn thành chương trình đề ra. Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến tham luận, thảo luận tại hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp khẳng định đây là nguồn thông tin, luận cứ khoa học quan trọng phục vụ hữu hiệu cho công tác hoàn thiện, thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra vào tháng 9/2021). Nội dung của Hội thảo cũng sẽ được Viện Nghiên cứu lập pháp cung cấp tới các ĐBQH làm tài liệu tham khảo trong quá trình xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo luật tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV./.

Lê Anh