CÁC BỘ, NGÀNH BÁO CÁO VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VÀ CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2018

08/04/2019

Chiều ngày 08/4, tại Trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Về các vấn đề xã hội tổ chức buổi làm việc với một số Bộ, ngành về việc thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt chủ trì buổi làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt chủ trì buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tòa án Nhân dân tối cao, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam; đại diện một số Bộ, ngành có liên quan cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Báo cáo tại buổi làm việc đại diện Bộ Nội vụ cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, Nghị quyết số 57/NQ-CP ngày 01/12/2009 của Chính phủ ban hnhf CHương trình hành động của chính phủ giai đoạn đến năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Nội vụ đã tham mưu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quy hoạch và tạo nguồn đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước, trong đó quy định chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ khi đi đào tạo, bồi dưỡng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Để cụ thể hóa và lồng ghép quy định về hỗ trợ nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi, Bộ Nội vụ đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy định hỗ trợ nữ cán bộ, công chức viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi được lồng ghép trong các quy định hiện hành về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Đại diện một số Bộ, ngành báo cáo

Đối với việc thực hiện chính sách ưu tiên lựa chọn hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ và sử dụng nhiều lao động nữ, đại diện Bộ Kế hoach và Đầu tư cho biết, trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương chủ yếu tập trung hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng kế hoạch, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung. Trong đó, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh… đã quy định nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Đồng thời các bộ, ngành cũng tuyên truyền phổ biến pháp luật và chính sách hỗ trợ cho nữa doanh nhân trong phạm vi cả nước; hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh.

Tham gia trình bày báo cáo, đại diện Bộ Tài chính nêu rõ, việc lồng ghép giới đã được Bộ thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trong quá trình đề xuất xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với một số bộ, ngành xây dựng, trình cơ quan ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định ưu đãi về thuế và tài chính cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ; các quy định hỗ trợ tín dụng khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cho lao động nữ tại khu vực nông thôn.

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, các văn bản quy phạm pháp luật do Tòa án chủ trì xây dựng đều được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo hướng đưa vào những quy định ko phân biệt đối xử; đảm bảo cho giới nam và nữ được bình đẳng; đảm bảo trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện bình đẳng giới cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền bình đẳng giới.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho ý kiến tại buổi làm việc

Qua thảo luận, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đặng Thuần Phong đánh giá một số số liệu trong báo cáo chưa thực sự mới; có nội dung chưa được báo cáo chi tiết làm sáng tỏ vấn đề; việc đầu tư nguồn lực, phương tiện để thực thi pháp luật và các mục tiêu về bình đẳng giới vẫn chưa được thực hiện một cách nỗ lực; tác nghiệp về công tác giới ở nhiều bộ, ngành vẫn còn khó khăn. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị các Bộ ngành lưu ý tới những vấn đề này để tiếp tục có sự hoàn thiện báo cáo cũng như chú trọng hơn trong việc triển khai trên thực tế.

Một số đại biểu cũng chỉ ra rằng, các báo cáo chưa làm rõ được những khó khăn, vướng mắc trong các ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ; việc tiếp cận của các nữ doanh nghiệp trong vấn đề quỹ khởi nghiệp; tuyên truyền hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, đa số báo cáo đều nói về những điều đã làm và đàng làm, mà chưa đề cập đến một số vướng mắc, kế hoạch trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ghi nhận và đánh giá cao trách nhiệm của các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện pháp luật và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2018, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nêu rõ, một số văn bản đã được triển khai kịp thời, tuy nhiên có những văn bản chưa được bám sát, triển khai kịp thời để đánh giá; sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và cơ quan phối hợp chưa thật sự nhịp nhàng; thống kê công tác giới còn một số tồn tại. Do đó, trên cơ sở buổi làm việc, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đi sâu, làm rõ một số nội dung, hoàn thiện báo cáo chính thức để gửi tới Ủy ban Về các vấn đề xã hội theo đúng quy định./.

 

Hồ Hương- Minh Thành