ĐỂ LỄ HỘI TRỞ THÀNH NGUỒN LỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

30/01/2023

Vào mỗi dịp đầu năm, các hoạt động lễ hội ở nước ta lại trở nên nhộn nhịp. Hoạt động lễ hội có ý nghĩa đặc biệt, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống có tiềm năng đóng góp cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Nhân mùa lễ hội Xuân Quý Mão 2023, Cổng TTĐT Quốc hội có bài phỏng vấn PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội và GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam về nội dung này.

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN: TẾT NGUYÊN ĐÁN - NHỮNG GIÁ TRỊ MANG ĐẬM CỐT CÁCH, VĂN HÓA, TINH THẦN VIỆT

Sức hấp dẫn của lễ hội đến từ việc đáp ứng những nhu cầu nhất định của con người

Phóng viên: Mùa xuân là mùa cao điểm của Lễ hội. Ông/bà đánh giá thế nào về vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần cũng như việc phát triển công nghiệp văn hóa của các địa phương cũng như cả nước?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Dịp đầu năm cũng là mùa lễ hội. Xét từ cách tiếp cận của công nghiệp văn hóa, hoạt động tổ chức và sức hấp dẫn có thể giúp các lễ hội trở thành nguồn lực cho sự phát triển văn hóa. Sức hấp dẫn của lễ hội đến từ việc đáp ứng những nhu cầu nhất định của con người. Đó là những nhu cầu về tâm linh, giải trí, tình cảm và kinh tế.

Về nhu cầu tâm linh, đây là nhu cầu xuyên suốt của con người trong mọi thời đại, và ngay cả bây giờ, xã hội hiện tại của chúng ta có những vấn đề nhất định khiến người dân thực sự có nhu cầu hỗ trợ của tâm linh về mặt tinh thần để họ có thể có thêm những niềm tin, động lực để thực hiện công việc của mình. Lễ hội, với việc thờ thánh thần, có thể giúp người ta một chỗ dựa như vậy. Giải trí và giao lưu tình cảm cũng là một nhu cầu nữa. Rõ ràng, nhiều người tham gia lễ hội vì theo tâm lý đám đông, đi để được vui chơi là chính. Thời gian sau Tết cũng là một thời điểm phù hợp theo truyền thống khi chúng ta cho rằng Tháng Giêng là tháng ăn chơi (cho dù bây giờ thì không còn phù hợp nữa). Nhưng với rất nhiều các lễ hội được tổ chức dồn dập trong khoảng đầu năm này cũng là một sức hấp dẫn rất lớn đối với rất nhiều người. Đó có thể xem là một thói quen khó bỏ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bên cạnh đó, một khía cạnh ngày đóng vai trò quan trọng với việc tổ chức lễ hội bây giờ là kinh tế. Việc tổ chức lễ hội đã đem lại nhiều lợi nhuận cho những người tổ chức, những người có liên quan, khiến cho việc tổ chức lễ hội có thể trở thành một cách kinh doanh ở một số địa phương. Tổ chức lễ hội như một sự kiện để phát triển du lịch đang được các địa phương khai thác để tạo nên thế mạnh cho du lịch, hình thành hình ảnh tích cực về địa phương, từ đó có tác động lan tỏa sang các lĩnh vực kinh tế - chính trị - xã hội khác.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: Việt Nam là đất nước của hàng nghìn lễ hội, trong đó có hơn 7000 lễ hội dân gian - là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để phục vụ phát triển du lịch văn hóa.

GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Đơn cử, lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở An Giang mỗi năm thu được hơn 90 tỷ đồng. Số tiền này được Ban Quản lý sử dụng rất hiệu quả để nâng cấp đường sá, giao thông, cơ sở hạ tầng, đóng góp vào ngân sách địa phương, hỗ trợ an sinh xã hội. Lễ hội đến Trần ở Nam Định mỗi năm cũng đóng góp hơn 40 tỷ đồng cho ngân sách thành phố. Ngoài ra, còn rất nhiều lễ hội lớn khác trên cả nước như lễ hội Đền Hùng, lễ hội chùa Hương, lễ hội Nguyễn Trung Trực..., ngoài việc góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, cố kết cộng đồng, còn có giá trị kinh tế, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.

Phóng viên: Theo ông/bà cần làm thế nào để vừa bảo tồn, vừa phát huy các giá trị, tiềm năng và lợi thế để lễ hội trở thành một trong những sản phẩm văn hóa, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của địa phương và cả nước?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để bảo tồn và phát huy lợi thế của việc tổ chức lễ hội, tôi cho rằng chúng ta nhất thiết phải hiểu rõ bản chất của lễ hội, coi việc tổ chức lễ hội nhằm phục vụ nhiều mục đích kinh tế - chính trị - xã hội khác nhau. Khi tất cả các bên liên quan đến lễ hội, cả người tổ chức đến người tham gia đi lễ hội hiểu đúng về bản chất và vai trò của lễ hội truyền thống đối với họ và xã hội, họ sẽ có hành vi ứng xử đúng với lễ hội; Tổ chức lễ hội phải cân bằng được mục đích bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội, trong đó, mục đích bảo tồn cần được đặt ở vị trí cao hơn.

Tiếp theo, việc tổ chức và quản lý lễ hội phải được thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn. Chuyên nghiệp ở đây không có nghĩa là lễ hội nào cũng giống lễ hội nào mà cần có sự phân công công việc và đi kèm với đó là trách nhiệm cụ thể. Cần bao quát toàn bộ vấn đề lễ hội, vì đây là sự kiện xã hội tổng thể, có liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau, không chỉ là ngành văn hóa.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lễ hội cũng cần chú ý nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng địa phương trong việc xác định hình thức, nội dung hoạt động lễ hội vì chính cộng đồng này là chủ nhân, đồng thời là người quyết định tính bền vững của các lễ hội. Làm được như vậy, chúng ta hy vọng rằng lễ hội sẽ ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của mỗi địa phương và cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông/bà!

Thu Phương