Tham dự phiên họp có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đại diện Ban soạn thảo cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực thư viện.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến về dự án Luật Thư viện. Mục đích của việc xây dựng Luật Thư viện nhằm thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, tạo khung pháp lý mới để phát triển sự nghiệp thư viện, phát triển văn hóa đọc, phục vụ việc học tập suốt đời của người dân; khắc phục bất cập trong thực tiễn hoạt động thư viện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật. Ngay sau kỳ họp của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện. Sau thời gian tích cực rà soát, đến nay, dự thảo Luật đã có một bước hoàn thiện về bố cục, kết cấu và nhiều nội dung quan trọng khác.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội xin giới thiệu một số hình ảnh tại hội nghị:
Toàn cảnh hội nghị
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh, với mong muốn nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tính khả thi của bản dự thảo Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Ban soạn thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức 03 hội nghị tham vấn các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại ba miền Bắc - Trung - Nam trong tháng 07 này
So với dự thảo Luật trình Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý giảm 01 Điều. Chương I của dự thảo luật bổ sung thêm 02 điều mới về xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 5) và Ngày sách và Văn hóa đọc (Điều 6), đổi tên và chuyển điều phân loại thư viện vào chương II, lược bỏ điều về tổ chức xã hội-nghề nghiệp thư viện (đưa thành 01 khoản về tổ chức liên quan ở chương 4. Chương II đổi tên thành thành lập thư viện, thiết kế thành 02 mục (các loại thư viện và thành lập thư viện). Chương III về hoạt động thư viện bổ sung 03 điều mới về phát triển văn hóa đọc (Điều 37), Hiện đại hóa thư viện (Điều 28), nguồn tài chính cảu thư viện (Điều 32). Đồng thời, lược bỏ Chương V, các nội dung xếp hạng thư viện và đánh giá thư viện được chuyển thành 02 Điều tại chương này. Bên cạnh đó, Chương IV cũng đã chỉnh lý lại quyền và nghĩa vụ của thư viện, tổ chức cá nhân trong hoạt động thư viện; lược bỏ các điều về quyền và nghĩa vụ của các loại thư viện chuyển lên Chương II thành chức năng nhiệm vụ của thư viện. Chương 5 về quản lý nhà nước về thư viện cũng đã tích hợp 03 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước về thư viện, trách nhiệm của các cơ quan liên quan
Qua thảo luận, đa số đại biểu nhất trí về tên gọi và sự cần thiết ban hành Luật Thư viện; cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong luật, để thư viện cộng đồng có thể duy trì và phát triển…
Nhìn chung, so với phiên bản trước, dự thảo Luật Thư viện lần này đã có nhiều chỉnh sửa có liên quan tới các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thẩm định và của các đại biểu quốc hội, đặc biệt là Chương IV về Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện đã được kết cấu lại và khái quát hóa rõ ràng quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên có liên quan tới hoạt động thư viện. Tuy nhiên, phiên bản dự thảo Luật lần này vẫn còn nhiều tồn đọng cần tiếp tục hoàn thiện và chỉnh sửa bổ sung để đảm bảo tính khoa học và tính qui phạm pháp luật. Đặc biệt, văn phong được sử dụng còn có nhiều thiếu sót so với yêu cầu đối với văn bản quy phạm pháp luật về văn phạm, tính chính xác, logic, ngắn gọn, đủ nghĩa, đơn nghĩa và duy nhất
Các đại biểu cũng chỉ rõ, các khái niệm được đưa ra trong dự thảo Luật vẫn còn chưa đầy đủ, còn thiếu một số khái niệm cơ bản đã được đề cập trong nội dung của Luật. Việc giải thích từ ngữ cũng chưa khoa học và chưa tường minh về nội hàm khái niệm, dẫn tới các điều khoản cho điều tiết cũng chung chung và không đầy đủ. Thậm chí có phần thiếu chính xác về văn phạm tiếng Việt. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn chỉnh vấn đề này
Tại hội nghị, các vấn đề về phát triển văn hóa đọc; ngân sách cho hoạt động thư viện; phát triển các thư viện trọng điểm và thư viện ngành… cũng được các đại biểu tập trung thảo luận