Toàn cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; các thành viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện.
Tờ trình Dự án Luật Thư viện cho biết, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp. Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Hoàng Thị Hoa phát biểu
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện. Thực tế khảo sát cho thấy, hệ thống thư viện ở nước ta, trong đó phần lớn thư viện công cộng cấp huyện, cấp xã, nhiều thư viện trường học chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu đọc và khai thác thông tin của người dân; văn hóa đọc đã và đang bị lấn át bởi những hình thức tiếp cận thông tin mới. Vì vậy, cần phải đổi mới tổ chức, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thư viện. Năm 2012, dự án Luật Thư viện đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII nhưng Dự thảo Luật lúc bấy giờ còn một số vấn đề chưa được làm rõ nên UBTVQH đã đề nghị đưa ra khỏi Chương trình. Đến nay, Dự án Luật đã được chuẩn bị đảm bảo điều kiện trình Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật Thư viện đã được chuẩn bị đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng Dự thảo Luật; hoàn thiện và trình dự thảo văn bản quy định chi tiết cùng với dự án Luật.
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV góp ý cho dự án Luật Thư viện, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật. Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, chính sách đầu tư cho hoạt động thư viện cần quy định rõ hơn nữa việc nhà nước tập trung đầu tư cho phát triển thư viện; đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực nhân lực phát triển thư viện... Đồng thời cần quy định rõ thư viện cộng đồng vào trong luật, để thư viện cộng đồng có thể duy trì và phát triển…
Các đại biểu phát biểu tại phiên họp
Một số ý kiến cho rằng dự thảo luật còn khá nhiều điều khoản viết chung chung, chưa rõ nghĩa, gây khó hiểu khi áp dụng như “thư viện số”, “thư viện tích hợp”; “sáp nhập, hợp nhất, chia tách, đình chỉ hoạt động của thư viện”. Ngoài ra, Dự luật cũng sử dụng nhiều cụm từ “theo quy định của pháp luật” mà không rõ là theo quy định nào của pháp luật... Nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo tiếp tục phân tích đánh giá để chỉ ra nguyên nhân vì sao thiết chế thư viện vẫn kém còn phát triển trong thời gian qua, từ đó đưa ra chính sách phát triển thiết chế thư viện trong thời gian tới cho phù hợp. Đồng thời dự báo khả năng thu hút các nguồn đầu tư để phát triển thư viện tư nhân, phục vụ nhu cầu phát triển văn hóa, thông tin của xã hội của các vùng và các địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, cần xác định rõ cơ chế tài chính, mức độ tài chính, tự chủ tài chính, đào tạo nhân lực của các thư viện công lập khi mới ra đời để tránh tình trạng thiếu kinh phí hoạt động, lạc hậu về nguồn tài liệu…
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Ban soạn thảo đã tổng hợp nghiên cứu, nhóm lại các vấn đề và dự kiến sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự án Luật Thư viện. Theo đó, dự kiến sẽ tích hợp một số nội dung; làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng Chương; chỉnh lý quan điểm xây dựng luật theo hướng tăng cường theo hướng hiện đại; bổ sung cụ thể hơn các quy định về đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện chứ không chỉ đơn thuần khuyến khích như trước đó. Bên cạnh đó, làm rõ hơn các ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trong hoạt động thư viện...
Qua thảo luận, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh tên Chương 5 của dự thảo luật từ “Quản lý nhà nước về thư viện” thành “Trách nhiệm của nhà nước về thư viện”, bởi các Điều cụ thể trong chương này đều nói về trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động thư viện.
Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc không quy định về xếp hạng thư viện và xem xét tính khả thi và mục đích của việc xếp hạng. Các đại biểu cho rằng, tiêu chí, nguyên tắc, chính sách đối với mỗi hạng chưa cụ thể nên khó thực hiện. Mục đích xếp hạng chưa thuyết phục, nếu “nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thư viện” như dự thảo Luật thì chưa phù hợp với quan điểm xây dựng luật là Nhà nước đầu tư cho thư viện theo hướng tập trung, trọng điểm và thực hiện chủ trương đẩy mạnh tự chủ xã hội hoá. Thẩm quyền xếp hạng và thu hồi xếp hạng đều giao cho cơ quan chủ quản là chưa hợp lý, cần có một tổ chức riêng để đánh giá đảm bảo tính khách quan.
Ngoài ra, các nội dung liên quan đến phân loại, điều kiện thành lập thư viện; ngân sách chi cho hoạt động thư viện; nguyên tắc hoạt động thư viện… cũng đước các đại biểu quan tâm góp ý.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý tại buổi làm việc; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới./.