Tham dự buổi làm việc có các thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; các thành viên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực thư viện.
Tờ trình Dự án Luật Thư viện cho biết, Pháp lệnh Thư viện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thông qua ngày 28/12/2000 đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thư viện, góp phần thúc đẩy sự nghiệp thư viện phát triển, phục vụ nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của người dân. Sau hơn 18 năm thi hành, Pháp lệnh Thư viện đã bộc lộ nhiều bất cập: chưa bao quát được hết mọi vấn đề, quan hệ xã hội mới phát sinh. Mặt khác, sự phát triển và thay đổi của hệ thống pháp luật Việt Nam, Hiến pháp 2013, các đạo luật quan trọng được ban hành khiến nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp. Luật Thư viện được ban hành sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện; phát triển văn hóa đọc; khuyến khích cộng đồng, xã hội tham gia và thiết lập cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong hoạt động thư viện; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, xây dựng xã hội học tập và phát triển con người Việt Nam toàn diện.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:
Toàn cảnh buổi làm việc
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nêu rõ, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ đã tạo ra bước tiến vượt bậc của khoa học thư viện, làm thay đổi cả về tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện và cách tiếp cận thông tin của người dân; đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với hệ thống thư viện
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa ghi nhận những ý kiến thảo luận, góp ý tại buổi làm việc; cho rằng đây sẽ là cơ sở hữu ích để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện chuẩn bị trình Quốc hội tại các phiên họp tới
Vừa qua, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội Khóa XIV góp ý cho dự án Luật Thư viện, hầu hết ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều đồng ý với sự cần thiết phải ban hành Luật
Nhiều ý kiến cho rằng Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc, giúp người dân nâng cao hưởng thụ về Văn hóa, thúc đẩy sự phát triển nói chung của đất nước; tạo cơ sở pháp lý nâng cao năng lực để thư viện thực hiện tốt vai trò là trung tâm thông tin, văn hóa, giáo dục hữu ích, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa và học tập suốt đời của nhân dân, góp phần truyền bá tri thức nhân loại, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Ban soạn thảo đã tổng hợp nghiên cứu, nhóm lại các vấn đề và dự kiến sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường và tại tổ về dự án Luật Thư viện.
Các nội dung liên quan đến phân loại, điều kiện thành lập thư viện; ngân sách chi cho hoạt động thư viện; nguyên tắc hoạt động thư viện… cũng đước các đại biểu quan tâm góp ý