TÌNH HÌNH THỰC HIỆN LUẬT THANH NIÊN VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ CHO LUẬT THANH NIÊN (SỬA ĐỔI)

17/07/2019

Ngày 16/7, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức hội nghị “Tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên (sửa đổi)”. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Văn Tuyết chủ trì hội nghị.

Sau 13 năm thực hiện, về cơ bản Luật Thanh niên đã tạo cơ sở pháp lý, góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và xã hội; tăng cường trách nhiệm của nhà nước, xã hội với sự phát triển của thanh niên. Tuy nhiên, quá trình triển khai đã nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Các quy định trong Luật chưa thể chế hóa được hết quyền và nghĩa vụ mang tính đặc thù của đối tượng đặc thù là thanh niên. Phần lớn quyền và nghĩa vụ của thanh niên được ghi nhận trong Luật đều đúng với các đối tượng khác không phải là thanh niên.

Hội nghị về tình hình thực hiện Luật Thanh niên và những kiến nghị cho Luật Thanh niên sửa đổi

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội còn mang tính khẩu hiệu, chung chung, chủ yếu ở thì tương lai như “sẽ có chính sách”, “sẽ có trách nhiệm”, mà không có điều luật quy định cơ chế bảo đảm thực hiện chính sách, trách nhiệm đó. Đặc biệt, Luật Thanh niên năm 2005 ra đời trong thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới dựa trên cơ sở của Hiến pháp năm 1992. Vì thế, tư duy pháp lý của thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà Hiến pháp năm 2013 đặt nền móng chưa được thể chế hóa. Do đó, việc ban hành luật mới thay thế Luật Thanh niên năm 2005 là hoàn toàn cần thiết và hợp lý ở thời điểm hiện tại.

Tại Hội nghị, góp ý cho dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và tổ chức thanh niên trong việc thực hiện chính sách pháp luật đối với thanh niên… không khác so với Luật hiện hành. Cụ thể vẫn là những khẩu hiệu, tuyên ngôn, định hướng. Một số đại biểu đề nghị, cần tập trung điều chỉnh những quyền và nghĩa vụ đặc thù chỉ thanh niên có và quy định các chính sách, cơ chế bảo đảm để thanh niên thực hiện được các quyền và nghĩa vụ mang tính chất đặc thù đó. Đồng thời, cần làm rõ thêm tính chất của Luật lần này là luật chung mang tính nguyên tắc như một bản “Hiến pháp” của thanh niên mà các luật chuyên ngành phải thể chế để thi hành hay là một luật quy định cụ thể có tác dụng điều chỉnh trực tiếp.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến đối tượng áp dụng; trách nhiệm của của các cơ quan nhà nước, gia đình, nhà trường và tổ chức thanh niên đối với thanh niên…

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)