Trong buổi sáng, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Toàn cảnh buổi làm việc
Theo chương trình công tác năm 2019, Ủy ban sẽ tổ chức khảo sát tình hình triển khai Luật Trẻ em 2016 nhằm mục đích đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách đối với trẻ em; từ đó Ủy ban sẽ có những kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Hoạt động khảo sát sẽ tập trung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và việc hướng dẫn tổ chức thực hiện hoạt động bảo đảm quyền trẻ em; công tác quản lý nhà nước về trẻ em; tổ chức bộ máy và việc triển khai thực hiện các quy định về bảo đảm quyền trẻ em.
Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em tại trung ương và một số tổ chức chính trị, chính trị xã hội liên quan đến công tác trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em 2016 sẽ là những đối tượng chính của cuộc khảo sát. Theo đó, Đoàn khảo sát của Ủy ban sẽ làm việc trực tiếp với các đối tượng khảo sát, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về bảo đảm thực hiện các chính sách về trẻ em; Các bộ, ngành được quy định trong Luật Trẻ em gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các tổ chức chính trị xã hội và tổ chức khác được quy định trong Luật Trẻ em gồm: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh cho biết, trên cơ sở kết quả các buổi làm việc, Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu, đánh giá, phân tích thông tin, dữ liệu thu thập và xây dựng dự thảo báo cáo kết quả khảo sát; tổ chức một số hội thảo, tọa đàm tham vấn chuyên gia về nội dung khảo sát và dự thảo báo cáo kết quả khảo sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh phát biểu
Tại buổi làm việc, đại diện các Bộ báo cáo tình hình thực hiện triển khai Luật Trẻ em 2016 trước Ủy ban. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, ngay sau khi Luật Trẻ em được thông qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp các bộ, ngành triển khai tiến hành rà soát, nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với Luật Trẻ em. Cụ thể, đã ban hành theo thẩm quyền, phối hợp ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về trẻ em
Hệ thống Thanh tra Giáo dục được triển khai đến từng địa phương; công tác thanh tra, kiểm tra gắn liền với công tác chỉ đạo. Qua đó giúp các cơ sở triển khai thực hiện tốt hơn, đồng thời giải quyết những sai sót, xử lý những vi phạm trong việc bảo đảm quyền được học tập của trẻ em. Mặt khác kết quả thanh tra, kiểm tra còn góp phần hoàn thiện, chỉnh sửa chính sách phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, năm 2017 – 2018 các khiếu nại, tố cáo của ngành giáo dục nói chung và về việc thực hiện quyền trẻ em nói riêng được thực hiện triệt để, không có tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người.
Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí từ Trung ương và địa phương đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về các chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mục tiêu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể, gia đình và xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đối với sự phát triển đất nước; từ đó huy động sự chung tay của cả cộng đồng tham gia bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, quan tâm đến trẻ em không may mắn để phần nào giảm bớt những khó khăn, thiệt thòi giúp các em có cơ hội phát triển toàn diện. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vẫn còn hạn chế do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chủ quan, chỉ đạo chưa quyết liệt, tuyên truyền kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong nhiều gia đình còn hạn chế, lực lượng làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn mỏng, ngân sách chi cho công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn ít, sự phối hợp trong công tác tuyên truyền tại nhiều địa phương còn hạn chế, thậm chí nhiều vấn đề né tránh nhà báo khi đặt vấn đề tuyên truyền về vấn đề này.
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo tại buổi làm việc
Theo đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, công tác thông tin tuyên truyền với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng có tác động tích cực đến nhận thức của tầng lớp nhân dân trên địa bàn về ý nghĩa thiết thực trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Công tác thông tin tuyên truyền đã góp phần huy động sức mạnh của nhân dân tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đẩy lùi hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển.
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, vai trò của các Bộ, ngành là rất quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Do vậy, cần tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành giữa các Bộ để cùng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chương trình giáo dục, bảo vệ trẻ em đến xã hội.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Ngô Thị Minh ghi nhận sự cố gắng và những kết quả đã đạt được của các Bộ. Tuy nhiên, để chuẩn bị tham mưu cho Quốc hội về hoạt động giám sát tối cao về công tác trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng trong thời gian tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngô Thị Minh đề nghị các Bộ bổ sung thêm các nội dung về trẻ em cho đầy đủ, đặc biệt là về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em nữ trên xe môi trường xe bus; vấn đề bảo về trẻ em trên môi trường không gian mạng; vấn đề bảo vệ nhóm trẻ em yếu thế và vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho trẻ.
Theo chương trình, buổi chiều, Ủy ban tiếp tục làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về nội dung này./.