Xem xét kỹ lưỡng các trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình

16/06/2015

Ngày 16/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong những thay đổi của dự thảo Bộ luật đó là quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng và mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình.

Ngoài việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân với trường hợp người bị kết án là phụ nữ có thai và phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) bổ sung thêm hai trường hợp: Thứ nhất, người bị kết án là người từ 70 tuổi trở lên; Thứ hai, người bị kết án tử hình không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường các đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn về quy định bổ sung này.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên

Đại biểu Trần Thị Dung-Điện Biên, Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận bày tỏ quan điểm đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc không đồng ý với quy định của dự thảo luật về việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử; không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền-Hà Nội                                                                                                             Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền-Hà Nội cho rằng, việc loại trừ người trên 70 tuổi thoát trách nhiệm hình sự là không có cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở lý luận và pháp lý. Cùng chung quan điểm còn có đại biểu Trương Thái Hiền-Kiên Giang, Triệu Là Pham-Hà Giang, Vũ Thị Nguyệt-Hưng Yên.

Đại biểu Huỳnh Văn Tính-Tiền Giang hoài nghi về căn cứ để lấy mốc tuổi trên 70, bởi nếu dựa trên chính sách với người cao tuổi thì vẫn chưa đúng vì luật quy định từ 60 tuổi đã là người cao tuổi.

Đại biểu Triệu Là Pham-Hà Giang                                                                                                                              

Đại biểu Triệu Là Pham-Hà Giang phân tích, như ở một số nước có nền kinh tế phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, tuổi thọ bình quân ngày được nâng lên, những người từ 70 tuổi trở lên vẫn khỏe mạnh, đầu óc minh mẫn, là những người có vốn hiểu biết và giàu kinh nghiệm.

Ở Việt Nam những người ở độ tuổi này không hiếm, có khả năng là người tổ chức, cầm đầu tội phạm, còn có thể phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Nếu ta chuyển từ án tử hình thành tù chung thân thì đối tượng này vẫn còn đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, hậu quả sẽ không lường trước được, tính nghiêm minh của pháp luật không được thực thi một cách nghiêm chỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị luật nên bỏ quy định này, để xem xét lại quy định cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.

Đại biểu Triệu Là Pham cũng đề nghị không áp dụng hình phạt tử hình, không thi hành án tử hình đối với người thật sự già yếu, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc lâm vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, khi có kết quả giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền.

Đại biểu Giàng Thị Bình-Lào Cai bảy tỏ lo ngại việc quy định không áp dụng không thi hành hình phạt tử hình đối với người phạm tội, người bị kết án tử hình từ 70 tuổi trở lên nếu có những căn cứ hết sức chặt chẽ thì rất có thể pháp luật sẽ dễ bị lạm dụng.

Đại biểu Giàng Thị Bình-Lào Cai                                                                                                                                  

Theo đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh, luật nên quy định bỏ hình phạt với người từ 75 tuổi trở lên và bổ sung đối tượng trực tiếp là người có công với cách mạng như Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Thương binh nặng sẽ bỏ hình phạt tử hình.

Về quy định không áp dụng hình phạt tử hình khi người phạm tội tham nhũng khắc phục hậu quả

Đại biểu Ma Thị Thúy-Tuyên Quang góp ý miễn tội tử hình với tội phạm kinh tế cần phải có điều kiện chặt chẽ, cụ thể hơn. Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận nhận xét quy định như dự thảo sẽ dẫn đến tình trạng dùng tiền chuộc mạng; gián tiếp bao che tham nhũng.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh kiến nghị Luật cần cân nhắc một cách thận trọng về việc quy định không thi hành án tử hình, đối với người bị kết án tử hình về các tội có mục đích kinh tế, sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý, điều tra tội phạm và lập công lớn để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật tạo ra sự công bằng trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá-Trà Vinh                                                                                                                            

Trong khi đó, với quan điểm cho rằng không hay gì khi tước mạng sống một người, đại biểu Nguyễn Công Hồng-Đồng Nai đồng tình với việc bỏ án tử hình nếu tội phạm tham nhũng khắc phục được hậu quả. Theo đại biểu mục đích sâu xa khi xử lý các tội về kinh tế là tước bỏ mọi lợi nhuận, lợi ích phi pháp mà đối tượng phạm tội đã đạt được, thu về cho ngân sách Nhà nước hoặc trả lại cho người bị xâm hại, chứ không phải chỉ là trừng trị người vi phạm. Đồng thời, cũng không cần lo về khả năng tái phạm của đối tượng phạm tội này vì một khi đã rơi vào vòng tố tụng thì thân bại danh liệt, khó có thể trở lại cương vị như cũ để tiếp tục phạm tội.

Bảo Yến