Cân nhắc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình

16/06/2015

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) sáng 16/6, việc hạn chế hình phạt tử hình là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) lần này đã bỏ 7/22 tội danh có hình phạt tử hình, gồm: cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Đồng thời, dự thảo Bộ luật tách tội vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy được quy định tại Điều 194 của Bộ luật Hình sự hiện hành, thành các tội danh độc lập và chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy. Đối với các tội danh khác, trong đó có tội vận chuyển trái phép chất ma túy, thì mức hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Đa số các ý kiến phát biểu đều bày tỏ đồng tình cao với mục tiêu quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật hình sự lần này là nhằm xây dựng Bộ luật hình sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp; thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng; Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đại biểu Trần Thị Dung-Điện Biên                                                                                                    Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Dung-Điện Biên cho rằng, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ, vừa bảo đảm tính nhân đạo của Nhà nước ta với người phạm tội. Đồng thời, bảo đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Theo đại biểu Trần Thị Dung, trong bối cạnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng của ta. Do đó, cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này.

Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám-Kon Tum phân tích, đối tượng vận chuyển ma túy có thể là những người nghèo bị lừa, dụ dỗ đi vận chuyển nhưng cũng có thể là những người chuyên nghiệp trong vận chuyển ma túy và hình thành những đường dây vận chuyển với khối lượng lớn. Đối với những đối tượng chuyên nghiệp cần phải áp dụng hình phạt cao nhất của Luật hình sự, còn những đối tượng là người dân nghèo bị lừa vận chuyển ma túy sẽ xem xét các yếu tố giảm nhẹ khi lượng hình. Vì vậy chưa loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đại biểu Lê Đông Phong-TP Hồ Chí Minh                                                                                        Ảnh: Văn Bình

Đại biểu Lê Đông Phong-TP Hồ Chí Minh gợi ý không bỏ tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng có thể hạn chế đối tượng áp dụng như quy định tại Điều 39 và nâng mức định lượng chất ma túy đối với khung hình phạt cao nhất.

Ngoài ra đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị cần cân nhắc theo hướng chưa loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội phá hoại hòa bình, tội gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh.

Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận                                                                                                                           

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn-Bình Thuận các tội danh phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược, tội chống lại loài người, tội phạm chiến tranh ghi ở các Điều 436, 437, 438 của dự thảo luật đều là những tội đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến nền hòa bình, độc lập chủ quyền của quốc gia, đe dọa đến sự tồn vong của loài người mà những loại tội danh này cả nhân loại đều lên án, ra sức ngăn chặn và loại bỏ. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên tôi danh này như Luật hiện hành.

Theo đại biểu Lê Đông Phong việc giảm hình phạt tử hình phải chú ý đến việc bảo đảm tính nhân đạo đối với người phạm tội, nhưng phải bảo đảm sự ổn định an ninh, trật tự xã hội, hiệu quả phòng chống tội phạm. Đại biểu đề nghị không bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: cướp tài sản (Điều 167); phá hủy các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 316). Bởi đây là những tội đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ xâm phạm tài sản mà còn xâm phạm tính mạng, sức khỏe, con người, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội.

Bảo Yến