ỦY BAN TÀI CHÍNH - NGÂN SÁCH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH KINH TẾ ĐẶC BIỆT

08/03/2018

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp toàn thể lần thứ 23, sáng 07/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã cho ý kiến về dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt liên quan đến các nội dung như các chính sách ưu đãi đầu tư, thuế, ngân sách.

Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu; đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan cùng các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách họp phiên toàn thể lần thứ 23

Cần có các chính sách ưu đãi vượt trội hơn cả khung hiện hành

Báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt liên quan đến tài chính ngân sách, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các chính sách ưu đãi thuế tại dự thảo luật bảo đảm vượt trội so với quy định áp dụng đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao theo quy định hiện hành.

Tán thành với quan điểm xây dựng Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt của ban soạn thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã nhấn mạnh, nếu không có cơ chế vượt trội về tài chính, thuế thì sẽ không cần phải có dự án luật này. Vì vậy những chính sách ưu đãi được quy định trong dự thảo luật cần phải vượt trội hơn so với khung pháp luật hiện hành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã phát biểu tại phiên họp 

Cùng quan điểm cần phải có cách ưu đãi vượt trội song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cũng cho rằng, việc lựa chọn các chính sách mới phải bảo đảm tính khả thi. Điều quan trọng nhất là ưu đãi thực sự, tránh tình trạng nợ chính sách vừa mất uy tín vừa không hiệu quả lại bị lợi dụng tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các khu vực.

Theo đó, trong chính sách ưu đãi về thuế không nên để đối tượng được hưởng ưu đãi rộng như dự thảo mà cần phân biệt các doanh nghiệp hoạt động trong đặc khu với các doanh nghiệp chỉ đăng kí trong đặc khu nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh ở bên ngoài để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong đặc khu và địa bàn xung quanh. Các quy định về đầu tư cho các đặc khu cần cân nhắc nhà nước có đủ nguồn lực đầu tư để tạo ra sự khác biệt cho cả 3 đặc khu hay có lộ trình cho từng khu. Điều 32 dự thảo Luật quy định ứng trước vốn của nhà đầu tư và sau đó ngân sách nhà nước hoàn trả, nếu không có giới hạn loại nào, đến bao nhiêu, không tính vào nợ công, không tính vào kế hoạch đầu tư công trung hạn…thì rất khó thực hiện. Vì vậy, không nên cam kết những chính sách không thể thực hiện trên thực tế.

Cần phải hướng đến dự án thực tế tránh ưu đãi tràn lan kém hiệu quả

Cho rằng ban hành chính sách nếu không thành công cả 3 đặc khu thì cũng có thể đạt mục tiêu 1-2 khu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu nhấn mạnh, chính sách ưu đãi vượt trội nhưng vẫn bảo đảm chủ quyền quốc gia, không để phát triển của đơn vị hành chính mà ảnh hưởng đến sự phát triển chung của đất nước.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu nêu rõ, nhiều nội dung của dự thảo luật đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề cần được nghiên cứu hoàn thiện. Cụ thể, các chính sách ưu đãi trong dự thảo Luật vẫn thiên về chính sách về đất đai và thuế. Điều này không thực sự phù hợp bởi nhu cầu của các nhà đầu tư là thị trường và môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng. Trong khi đó, thủ tục hành chính ở nước ta quá phiền hà, chi phí không chính thức lớn bị nên đã tính vào chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Thế nhưng dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể để hạn chế những bất cập này.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Quang Chiểu cũng cho rằng, chính sách ưu đãi vượt trội phải thu hút được nguồn vốn thế hệ mới, nhà đầu tư mới, các ngành nghề mới chưa có ở Việt Nam. Vì vậy, đối tượng ưu tiên mà chính sách hướng đến phải là dự án thay vì xác định theo ngành nghề.   

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Quang Chiểu đề nghị các chính sách ưu đãi cần có trọng tâm

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc các quy định ưu đãi, tránh tình trạng mất cân đối giữa các khu vực. Do đó, các chính sách ưu đãi không nên đưa ra quá nhiều mà cần có trọng tâm trọng điểm, hướng đến thu hút luồng đầu tư mới, công nghệ mới trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cũng cho rằng, các ngành nghề chú trọng ưu tiên được xác định trong dự thảo Luật còn rất chung chung. Đối với chính sách thuế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai tán thành với quan điểm có ưu đãi vượt trội đặc thù nhưng các quy định trong dự thảo lại chưa chặt chẽ, có nguy cơ lách luật, lợi dụng và mang lại những tác động không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị phải có tiêu chí điều kiện hưởng ưu đãi rõ ràng, vừa bảo đảm mục tiêu kinh tế nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu xã hội khác; và mục tiêu cuối cùng của các ưu đãi hướng đến là dự án, không nên là ngành nghề. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh, nếu có cơ chế nhưng con người không đủ điểu kiện vận hành thì cũng sẽ không hiệu quả. Vì vậy, cần bổ sung cơ chế kiểm soát và quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải hoan nghênh sự chuẩn bị của các cơ quan trong việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Tiếp thu ý kiến của các thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban nêu rõ, dự thảo Luật cần có cơ chế ưu đãi vượt trội, đặc thù nhưng không ưu đãi tràn lan, không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các khu vực xung quanh. Các ưu đãi về thuế vừa thúc đẩy đầu tư nhưng tránh tạo kẽ hở để trốn thuế; việc ưu đãi cũng phải phù hợp với cân đối tài chính quốc gia. Các khoản hỗ trợ từ nguồn ngân sách phải đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính 5 năm. Đồng thời, các nội dung ưu đãi cụ thể nên giao cho trưởng đặc khu, chính quyền địa phương thay vì quy định cụ thể. Tuy nhiên, trong luật cũng cần bổ sung quy định về cơ chế kiểm soát, nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu đơn vị./.

Bảo Yến