Kỷ luật tài chính được đề cao
Chưa khi nào các phiên thảo luận về ngân sách nhà nước, các phiên giải trình về tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn 2011-2016, hay phiên giải trình về tiến độ phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2021 lại tổ chức liên tục, công khai rộng rãi qua các kênh thông tin như vậy. Đây là giải pháp mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã kiên trì thực hiện trong năm qua. Việc nâng cao trách nhiệm giải trình các vấn đề thu chi ngân sách từ trung ương tới địa phương đã tạo đà cho việc tăng thu cho ngân sách năm qua và giữ nợ công trong mức Quốc hội cho phép.
Nêu rõ những địa chỉ cụ thể trong trong các báo cáo thẩm tra về chi ngân sách Nhà nước còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, gây thất thoát, lãng phí dựa trên việc khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng từ thực tế và qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước. Đó là cách làm đổi mới mà Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã thực hiện khi trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong suốt 1 năm qua. Qua giải trình, cử tri có thể có được thông tin và những đánh giá sát thực nhất về công tác thu chi ngân sách. Những báo cáo thẩm tra về vấn đề tài chính đã thể hiện rõ quan điểm, chính kiến mang tính phản biện cao, cung cấp nhiều thông tin, số liệu về quản lý, điều hành ngân sách nhà nước giúp cho các đại biểu Quốc hội có thêm căn cứ trong quá trình thảo luận, chất vấn và đưa ra quyết định vì mục tiêu chung là xây dựng nền tài chính công bền vững.
Lần đầu tiên trong lịch sử, Quốc hội thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 tại Kỳ họp thứ 2. Điều này tạo cơ sở vững chắc, giúp đổi mới toàn diện cơ chế quản lý ngân sách, khi chuyển từ xử lý vấn đề ngân sách ngắn hạn hàng năm sang quản lý trung và dài hạn; phối hợp tốt hơn chính sách tiền tệ với chính sách tài chính; tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm cho các cấp sử dụng ngân sách. Ngân sách nhà nước sẽ được cân đối tổng thể và bền vững hơn, có thể giải quyết các vấn đề phát sinh hiện nay về đầu tư công, nợ công, bội chi, cổ phần hóa cũng như khắc phục độ “trễ” của các chính sách, quyết định liên quan đến tài chính, ngân sách. Đây là cơ sở để Ủy ban Tài chính- Ngân sách làm tốt hơn việc thẩm định phân bổ ngân sách theo chức năng và nhiệm vụ của mình.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Một trong vấn đề chúng ta tiến tới là sự công khai và minh bạch trong sử dụng ngân sách. Đây là hướng mà thông lệ quốc tế cũng như Luật Ngân sách chúng ta đề xuất. Chúng ta phải hoàn chỉnh các văn bản quy định về công khai ngân sách, làm sao thúc đẩy quá trình không những công khai về quyết toán đâu mà quá trình lập dự toán và chuẩn bị dự toán rồi khi thảo luận về ngân sách là phải được công khai, đòi hỏi trách nhiệm giái trình của chúng ta cần phải rõ ràng và công khai. Có như vậy nhân dân có thể tin đồng tiền của mình được sử dụng có hiệu quả hay không”
Khi nói về vai trò của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: “Quốc hội muốn có được quyết định đúng đắn thì phải dựa trên báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và những báo cáo thẩm tra đó mang tính phản biện rất cao, được Quốc hội tin tưởng và phần lớn chấp nhận những đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Khi Chính phủ trình sang thì giữa số liệu dự toán với số liệu của Quốc hội mà quy chuẩn thì có những thay đổi rất quan trọng”
Đảm bảo một nền tài chính an toàn, bền vững
Ngoài việc thẩm định các vấn đề liên quan đến ngân sách, năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiến hành thẩm tra nhiều dự án luật và giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Qua hoạt động giám sát tại các địa phương, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tiếp cận được tình hình thực tế, những số liệu thông tin cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng các báo cáo giám sát, báo cáo thẩm tra có chất lượng.
Năm 2017, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) do Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì thẩm tra, đã tạo ra thống nhất quản lý Nhà nước về nợ công theo hướng giao Bộ Tài chính làm cơ quan đầu mối và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trong quản lý nợ công; Chính phủ phân công nhiệm vụ đối với các Bộ, ngành có liên quan trong việc phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý nợ công. Đây là bước đột phá, kỳ vọng giúp Chính phủ thực hiện quản lý nợ công hiệu quả hơn.
Tiếp tục với mục tiêu bảo đảm một nền tài chính an toàn và bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: “Trong năm 2018, chúng ta phải tiếp tục thực hiện Luật Ngân sách sửa đổi cho quá trình lập dự toán gắn với quá trình ngắn hạn và trung hạn và dài hạn. Quan trọng nhất là chúng ta đảm bảo được mục tiêu ổn định nền tài chính Quốc gia và chúng ta phải giữ được trần nợ công, không được để nợ công phát sinh, vượt trần và kiểm soát được bội chi, đồng thời đảm bảo được huy đông các nguồn lực trong thu ngân sách”.
Đánh giá cao cách làm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết: “Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội đã tổ chức làm việc với Kiểm toán nhà nước và các cuộc họp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách mở rộng hoặc họp thường trực đều có Kiểm toán Nhà nước tham gia. Có thể nói, việc thẩm định hết sức cẩn trọng và chính xác để trình ra Quốc hội để có những quyết định chính xác đối với việc quyết định dự toán ngân sách cũng như là phê duyệt tổng quyết toán ngân sách hằng năm”
Trong những ngày đầu năm 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã liên tục tổ chức các phiên giải trình với sự tham gia của các thành viên Chính phủ về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng và quản lý vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài phục vụ cho giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016. Đây là vấn đề mà đại biểu Quốc hội cũng như cử tri quan tâm và cần được làm rõ, trong bối cảnh Việt Nam sẽ phải đi vay với lãi suất cao sẽ tạo ra áp lực trả nợ lớn hơn. Do vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tiến hành giám sát để giúp Chính phủ có kế hoạch phù hợp hơn trong cân đối trả nợ vốn vay xem xét hiệu quả giữa vay trong nước và vay ngoài nước, cũng như đặt ra những nguyên tắc chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo một nền tài chính an toàn, bền vững.
Tinh thần tiên quyết mà Quốc hội cũng như Ủy ban Tài chính - Ngân sách đặt ra sau cuộc giám sát này đó là kiên quyết xử lý các sai phạm trong quản lý nợ công nói chung và vốn ODA nói riêng, không chạy theo mục tiêu giải ngân mà lấy hiệu quả làm chính.
Mục tiêu quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả, minh bạch trong sử dụng ngân sách.
Để có được những kết quả tích cực trong tổ chức điều hành, hoạt động của Ủy ban Tài chính - Ngân sách năm qua là nhờ những nỗ lực cố gắng của tập thể lãnh đạo và cơ quan tham mưu chuyên môn của Ủy ban Tài chính - Ngân sách; là sự đồng hành và chung tay cùng Chính phủ thúc đẩy tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, giám sát chặt chẽ quá trình thực thi điều hành ngân sát, đề cao trách người đứng đầu trong quản lý, chi tiêu ngân sách nhà nước. Thêm vào đó là sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có trách nhiệm như Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm trong lĩnh vực tài chính và xác định tinh thần chung là xem việc bảo đảm kỷ luật tài chính là một trong những biện pháp quan trọng nhất để thoát khỏi nguy cơ nợ công, bội chi tăng cao.
Chia sẻ về mục tiêu nhiệm vụ thực hiện trong năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: “Năm 2018 đã phát huy kết quả tương đối tích cực của năm 2017 về ngân sách quốc gia. Mặt khác, chúng ta cũng phải nhìn nhận ngân sách đang chịu sức ép, thách thức rất lớn của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế cho nên công tác thu ngân sách hết sức nan giải. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục động viên phát huy nội lực. Bên cạnh đó, việc quản lý hiệu quả vốn vay trong nước và vay nước ngoài tập trung đầu tư có trọng tâm và trọng điểm, tránh thất thoát lãng phí; đồng thời tăng trách nhiệm minh bạch, giải trình trong việc sử dụng ngân sách. Đó là mục tiêu năm 2018 và những năm tiếp theo chúng ta phải khuyến khích thực hiện”.
Việc Quốc hội giám sát ngày càng chặt chẽ tài chính Quốc gia đã tạo nên niềm tin ngày càng lớn của cử tri và nhân dân cả nước. Đây cũng là tiền đề, là động lực để Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính gắn trách nhiệm với người đứng đầu. Qua đó, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, thu, chi ngân sách Nhà nước; đổi mới cơ chế vay và sử dụng vốn nước ngoài gắn với trách nhiệm hoàn trả của người đi vay, đề cao trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên trong quản lý Ngân sách nhà nước.
Theo dự kiến chương trình hoạt động năm 2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách sẽ chủ trì thẩm tra dự thảo luật Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; nghiên cứu việc sửa đổi các luật thuế để kịp thời phục vụ công tác thẩm tra nếu Chính phủ trình. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ tham gia với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội thẩm tra các dự án Luật, Pháp lệnh khác trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
Cùng với công tác lập pháp, Ủy ban sẽ tiến hành giám sát về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016; giám sát tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017; việc thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2018 triển khai lập dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Và ngay từ những ngày đầu năm này, Ủy ban đã và đang tham gia tích cực cùng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016”.