HỘI THẢO TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC QUYẾT ĐỊNH, GIÁM SÁT NSNN CÓ NỘI DUNG LỒNG GHÉP GIỚI

26/01/2018

Ngày 26/01, tại Đắk Lắk, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội phối hợp với Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (GIG) đã tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách nhà nước có nội dung lồng ghép giới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Đinh Văn Nhã chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo còn có các ủy viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân một số tỉnh khu vực miền Trung- Tây Nguyên; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan cùng các chuyên gia và cán bộ Văn phòng Quốc hội.

Hội thảo tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách nhà nước có nội dung lồng ghép giới

Hội thảo nhằm góp phần cung cấp thêm thông tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong việc quyết định và giám sát ngân sách nhà nước có nội dung lồng ghép giới cho các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra kiến nghị và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội và các địa phương về cơ chế, chính sách, pháp luật có nội dung bình đẳng giới.

Tại hội thảo các đại biểu đã nghe các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày tham luận và trao đổi về các vấn đề: khung pháp lý và chính sách ngân sách cho bình đẳng giới ở Việt Nam; thúc đẩy bình đẳng giới qua công cụ ngân sách; những nội dung cần lưu ý trong quyết định và giám sát ngân sách có trách nhiệm giới.

Thực hiện bình đẳng giới là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đến năm 2030 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Vấn đề bình đẳng giới đã được thể hiện trong Luật Bình đẳng giới 2006 và Hiến pháp 2013, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới 2016- 2020. Trong những năm gần đây việc lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định chính sách được Nhà nước đặc biệt chú trọng. Đặc biệt, nội dung bình đẳng giới đã được đưa vào Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) được Quốc hội phê chuẩn vào tháng 6/2015 và có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2017. Đây là một bước ngoặt quan trọng, phản ánh vấn đề bình đẳng giới đang được toàn xã hội quan tâm. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 lần đầu tiên đặt ra nguyên tắc đảm bảo ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới (điều 8, khoản 5); đồng thời quy định bình đẳng giới là một trong các căn cứ để lập dự toán ngân sách nhà nước hàng năm (điều 41, khoản 1).

Các đại biểu trao đổi tại Hội thảo

Để triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách Nhà nước nói chung và các quy định về ngân sách nhà nước có trách nhiệm về giới nói riêng, các đại biểu cho rằng, cần phải chủ động và thực hiện giám sát ngân sách nhà nước từ rất sớm. Theo đó, công tác giám sát ngân sách nhà nước được bắt đầu và gắn liền với công tác lập dự toán, quyết toán của các cơ quan nhà nước; thực hiện phân loại, đánh giá mức độ tác động các khoản chi tiêu liên quan đến bình đẳng giới, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện đầy đủ các chính sách này; chú trọng giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện các chính sách liên quan đến bình đẳng giới.

Bảo Yến