HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VỐN TỪ NGUỒN THU ĐỂ LẠI CHO ĐẦU TƯ NHƯNG CHƯA ĐƯA VÀO CÂN ĐỐI NSNN

07/08/2018

Thảo luận tại phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội diễn ra tại Hà Nội ngày 6/8 vừa qua, các đại biểu cho rằng hiện nay khuôn khổ pháp lý về quản lý phân bổ vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước chưa đồng bộ rõ ràng cần được bổ sung, hoàn thiện trong Luật Đầu tư công.

Phiên họp toàn thể lần thứ 27 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở xem xét Tờ trình của Chính phủ về việc giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của một số bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 và xử lsy một số vướng mắc đối với thủ tục đầu tư dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể của Ủy ban thẩm tra về nội dung này.

Phiên họp có sự tham gia của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, các thành viên Ủy ban, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội.

Chưa có quy định rõ ràng về thẩm quyền quyết định kế hoạch vốn từ nguồn thu để lại trong Luật

Theo quy định tại khoản 21 Điều 4 Luật Đầu tư công, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư những chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước là một trong những nguồn vốn đầu tư công. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 65 Luật Đầu tư công quy định “Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với vốn ngân sách nhà nước, vốn công trái quốc gia, vốn trái phiếu Chính phủ của cả nước”.

Trên cơ sở Luật Đầu tư công, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 26/2016/QH14 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 gồm vốn ngân sách trung ương từ nguồn vốn nước nước ngoài, vốn trong nước do phát hành trái phiếu Chính phủ và tiền bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp và vốn cân đối ngân sách địa phương. Như vậy tổng số vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư những chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành giai đoạn 2016-2020 không nằm trong tổng số vốn của về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 26/2016/QH14.

Mặt khác, các khoản chi từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước, từ trước đến nay không được tổng hợp trong dự toán ngân sách nhà nước và cũng không đưa vào quyết toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết Luật hiện hành thiếu quy định về thẩm quyền quyết định giao kế hoạch vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN

Điều này cho thấy việc quản lý nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định “các khoản thu phải được dự toán và do luật định” được quy định trong Hiến pháp 2013 và Luật Ngân sách nhà nước 2015.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Hoàng Quang Hàm chỉ ra rằng, Luật hiện hành đang thiếu quy định về quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn phần vốn cân đối để lại. Cùng với đó Nghị quyết 26/2016/QH14 về vốn đầu tư công trung hạn, đáng lý phải bao gồm tất cả các nguồn nhưng phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết lại chỉ đề cập đến ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và công trái thiếu sự điều chỉnh đối với hai nguồn là vốn tín dụng và vốn cân đối.

Do đó, Chính phủ cần tiếp tục tổng hợp nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương để tăng cường quản lý, sử dụng vốn đầu tư có hiệu quả, theo quy định của pháp luật và báo cáo Quốc hội để xem xét thẩm quyền quyết định.

Cùng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Thanh Vân cho biết, có 3 vấn đề pháp lý liên quan đến việc giao vốn từ nguồn thu để lại. Một là Luật Đầu tư công hiện nay chưa có quy định. Hai là Nghị định 77/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định thẩm quyền quyết định giao kế hoạch vốn từ nguồn thu này là của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên đây là Nghị định không đầu, trong một thời gian dài Chính phủ triển khai thực hiện mà Quốc hội chưa xem xét vấn đề này. Ba là, Nghị quyết 26/2016/QH14 kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng không đề cập đến vấn đề này.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng thẩm quyền quyết định kế hoạch vốn từ nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước phải thuộc về Quốc hội. Chính phủ cần phải trình Quốc hội xem xét, quyết định vấn đề này để có cơ sở pháp lý để thực hiện.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải, nguồn thu để lại theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước không nằm trong cân đối ngân sách. Các nguồn thu này là của từng đơn vị, không thể điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác. Do đó khi xác định kế hoạch tài chính trung hạn Bộ Tài chính không tính đến khoản này. Bộ Tài chính cũng luôn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cách quản lý và giao dự án đầu tư các dự án từ khoản này khác với dự án có nguồn từ ngân sách, quy trình thủ tục đơn giản, thuận lợi hơn. Nếu theo quy định của Luật Đầu tư công đưa tất cả các khoản vào thu chi ngân sách để Quốc hội quyết định thì quản lý sẽ rất phức tạp, không phù hợp với tình hình thực tiễn, không bảo đảm cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị. Vì vậy, thời gian tới bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng cần cần có cách giải quyết hợp lý, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đề xuất cần có cách quản lý phù hợp với đặc thù của vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối NSNN

Rà soát đánh giá quy trình quản lý vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư để sửa đổi trong Luật Đầu tư công

Theo quy định, vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước bao gồm: Nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập để lại cho đầu tư, và nguồn thu của tổ chức tài chính, bảo hiểm xã hội được trích lại để đầu tư dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của bộ, ngành trung ương và địa phương.

Việc xác định nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập để lại cho đầu tư chưa được hướng dẫn cụ thể là những nguồn nào, bao gồm nhiều nguồn thu để lại cho đầu tư do các đơn vị thực hiện tự chủ. Mặt khác, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định về cơ chế tài chính khoán, nên nếu quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định 77/2015/NĐ-CP sẽ không thể thực hiện được, đồng thời không phù hợp với các quy định pháp luật khác. 

Cùng với đó, đối với nguồn thu của tổ chức tài chính, bảo hiểm xã hội được trích lại để đầu tư dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của bộ, ngành trung ương và địa phương, các đơn vị này hoạt động trên cơ sở các quy định được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ cho phép. Do đó, hoạt động đầu tư tại các đơn vị này đã có các quy định pháp luật đặc thù điều chỉnh, nếu lại thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Nguồn thu để lại cho đầu tư, các đơn vị thực hiện theo nguyên tắc: Thu được nhưng phải nộp vào ngân sách rồi mới chi. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là nguồn thu này còn phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh của đơn vị, nên việc lập kế hoạch và xác định được kế hoạch nguồn thu để lại một cách tương đối chính xác là rất khó. Trong khi đó, Luật Đầu tư công quy định đưa nguồn vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư vào trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm là rất bất cập. Nếu đơn vị lập quá lên thì sai, ít hơn thì khó điều chỉnh kế hoạch.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Vân Chi cho biết, về bản chất đây là những khoản thu được dành mục đích riêng cụ thể, đặc thù, phần lớn nằm ngoài cân đối ngân sách, không phải là khoản cố định để xác định đưa vào dự toán hàng năm được. Do đó khi sửa đổi Luật Đầu tư công cần rà soát, đánh giá lại quy trình, cách thức quản lý nguồn vốn này phải bảo đảm bản chất của nguồn thu và có thể quy định quy trình quản lý đơn giản thuận tiện hơn.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp toàn thể

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính- Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cũng đề nghị, quản lý phân bổ nguồn thu này chưa đồng bộ rõ ràng và về lâu dài cần sửa đổi theo hướng nên phân loại và đưa ra quy trình đặc thù không thể áp dụng quy trình chung như đối với nguồn lực đầu tư công khác.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổng kết sửa đổi là cần thiết nhưng vẫn cần đảm bảo tiến độ phân bổ cho các đơn vị triển khai. Bởi quá trình rà soát sửa đổi đòi hỏi lâu dài, căn bản còn nhiều đơn vị đang trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần xử lý nhiều vấn đề mang tính thời điểm.

Khi trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần phân tích rõ tiền lệ thực hiện như thế nào, các năm trước việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn từ nguồn thu để lại cho đầu tư không được đưa ra báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội như các nguồn đầu tư khác. Chính phủ cũng cần tiến hành đánh giá tổng kết cơ chế quản lý đối với các nguồn thu để lại, qua đó phân loại các nguồn thu để lại này theo tiêu chí rõ ràng để có cơ sở quyết định phù hợp./.

Bảo Yến