TRÌNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH, PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐỐI VỚI TP. CẦN THƠ

13/07/2018

Chiều 13/7, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 25, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Tp.Cần Thơ. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

 

Toàn cảnh phiên họp

Tạo điều kiện phát triển Tp. Cần Thơ trở thành một đô thị lớn

Trình bày Tờ trình về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Tp. Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/9/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hóa đất nước”; Bộ Chính trị đã giao Tp. Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng; chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát đề xuất việc tổ chức thực hiện danh mục dự án trong Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 20/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra. Vì vậy, nhằm tạo điều kiện, tăng tính “đột phá” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ; Chính phủ nhận thấy cần ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng tại Kết luận số 07-KL/TW của Bộ Chính trị, chính sách của Nhà nước, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với thành phố Cần Thơ (tương tự các thành phố mang tính chất trung tâm kinh tế vùng như Đà Nẵng và Hải Phòng). Thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội của Tp. Cần Thơ; tạo điều kiện để Cần Thơ phát huy được những lợi thế trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại và dịch vụ của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, dự thảo quy định về huy động vốn đầu tư trong nước; huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, như: Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức huy động theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ (bao gồm vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại và khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định; Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án mang tính chất liên vùng trên địa bàn Thành phố theo hình thức hợp tác công - tư (PPP); Chính phủ ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án mang tính chất cấp vùng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Đặc biệt, Chính phủ ưu tiên hỗ trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Thành phố để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố do Ủy ban nhân dân Thành phố là cơ quan chủ quản. Việc bố trí vốn đối ứng trong nước cho các dự án này do ngân sách Thành phố bảo đảm. Chính phủ ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn Thành phố.

Có các chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách

Về cơ chế tài chính, ngân sách, dự thảo Nghị định quy định: trong năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Thành phố được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách Thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra

Ngoài ra, Thành phố được bán nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn. Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Đề án báo cáo Bộ Xây dựng thống nhất bằng văn bản trước khi tổ chức thực hiện.

Đặc biệt, ngoài thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ dự trữ tài chính cho các trường hợp quy định tại khoản 4, Điều 8 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng.

Phân cấp quản lý đầu tư xây dựng

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, dự thảo Nghị định Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới có quy mô từ 100 ha đến dưới 200 ha phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ thống nhất ý kiến với Bộ Xây dựng trước khi phê duyệt quyết định chấp thuận đầu tư.  

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đã trình bày Báo cáo thẩm tra về việc xin ý kiến về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Tp. Cần Thơ.

Ngay sau đó, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành thảo luận về những vấn đề cụ thể với nội dung này.

 

Thu Phương