UBTVQH TÁN THÀNH VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VỀ ĐẦU TƯ, TÀI CHÍNH, NGÂN SÁCH, PHÂN CẤP QUẢN LÝ ĐỐI VỚI TP. CẦN THƠ

13/07/2018

Thảo luận về dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Tp. Cần Thơ tại phiên họp thứ 25 vào chiều 13/7, các thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định.

Toàn cảnh phiên họp

Cần thiết quy định cơ chế đặc thù để phát triển Tp. Cần Thơ

Trình bày Báo cáo thẩm tra một số nội dung của dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 04/7/2018, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ theo Tờ trình số 222/TTr-CP ngày 01/06/2018 của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho cho biết, Tp. Cần Thơ là đô thị loại 1 cấp quốc gia và là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/09/2016 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Bộ chính trị đã giao: "Thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù ở mức như đối với thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra

Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ để tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và của cả nước.

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, việc Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nâng mức dư nợ vay lên 40% cho ngân sách Thành phố

Về mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Cần Thơ, dự thảo Nghị định quy định: "Mức dư nợ vay của ngân sách Thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định".

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ vì thực tế, cơ sở hạ tầng của Thành phố còn nhiều hạn chế, đặc biệt là hệ thống giao thông, xử lý chất thải và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu (nước biển dâng, xâm ngập mặn, hạn hán, sạt lở...) còn yếu và chưa đồng bộ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và môi trường dân sinh của Thành phố. Do đó, việc nâng mức dư nợ vay từ 30% lên 40% cho ngân sách thành phố Cần Thơ sẽ tạo điều kiện cho Thành phố trong việc huy động thêm nguồn vốn đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, mức dư nợ vay này cũng tương đương với mức dư nợ vay của thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh mức dư nợ vay của một số địa phương được nâng lên, đề nghị Chính phủ thực hiện các giải pháp điều hành chặt chẽ bảo đảm các chỉ tiêu an toàn nợ công không vượt mức trần Quốc hội quy định.

Tạo động lực khuyến khích tăng thu

Liên quan đến việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so với dự toán, dự thảo Nghị định quy định: "Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho Thành phố không quá 70% số tăng thu so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương (sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015) và các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%; số bổ sung có mục tiêu không cao hơn số tăng thu ngân sách trung ương trên địa bàn so với thực hiện thu năm trước".

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp

Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho thành phố Cần Thơ còn hạn chế, chưa tương xứng với vị trí, vai trò cũng như nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Thành phố. Vì vậy, việc quy định hỗ trợ cho Thành phố như trên là động lực khuyến khích Thành phố phấn đấu tăng thu và chỉ được thực hiện khi khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương có vượt thu. Tỷ lệ 70% là phù hợp với mặt bằng chung so với thành phố Đà Nẵng và Hải Phòng.

Ưu tiên tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính vào xây dựng hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu

Đối với quy định về tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính, dự thảo Nghị định nêu rõ: "Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng, kể từ ngày tạm ứng".

Về vấn đề này, Ủy ban Tài chính- Ngân sách nhận thấy, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp: cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách; thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán mà sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

Báo cáo thẩm tra nêu rõ, việc bổ sung quy định này cho UBND thành phố Cần Thơ là tương đương với thẩm quyền đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cho UBND thành phố Hồ Chí Minh, nhưng vượt trội hơn so với thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Để góp phần hiện thực hóa Kết luận số 07-KL/TW ngày 28/09/2016 của Bộ Chính trị "xây dựng phương án trình Chính phủ phê duyệt cho phép thí điểm một số cơ chế mới, vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn đặt ra"; xuất phát từ vị trí trung tâm, vai trò đặt biệt quan trọng của thành phố Cần Thơ đối với cả Vùng đồng bằng Sông Cửu Long; bên cạnh đó Thành phố cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của tình trạng biến đổi khí hậu với nhiều sự cố thiên tai phát sinh, khó lường nên đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách tán thành với dự thảo Nghị định của Chính phủ.   

Tuy nhiên, để kiểm soát chặt chẽ việc tạm ứng và việc sử dụng vốn có trọng tâm, trọng điểm, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị ưu tiên tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu cấp bách phát sinh và mức tạm ứng trong giới hạn sử dụng của quỹ theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015. Do đó, khoản 2 Điều 8 của dự thảo Nghị định đề nghị sửa thành như sau: "Ủy ban nhân dân Thành phố được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính Thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, cấp bách và ưu tiên phục vụ cho phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố nhưng chưa bố trí vốn trong phạm vi kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian tạm ứng không quá 36 tháng kể từ ngày tạm ứng. Mức sử dụng quỹ dự trữ tài chính Thành phố trong năm (bao gồm số tạm ứng và số đã chi thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định) tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng cho biết, một số ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ việc bổ sung cho UBND thành phố Cần Thơ thẩm quyền này để bảo đảm tương đương về thẩm quyền đối với thành phố Hải Phòng và Đà Nẵng.

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với việc ban hành Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Tp. Cần Thơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững hơn, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của Vùng và của cả nước.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, Tp. Cần Thơ cũng là một trong những thành phố trực thuộc Trung ương như Tp. Hải Phòng và Tp. Đà Nẵng, có vị trí chiến lược quan trọng của Vùng đồng bằng Sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên những năm qua, mức chi đầu tư cho Tp. Cần Thơ lại chưa bằng Tp. Hải Phòng và Tp. Đà Nẵng. Do vậy, Nhà nước có sự quan tâm, chính sách đầu tư vượt trội hơn cho Tp. Cần Thơ tạm thời ở giai đoạn này là phù hợp. 

Qua thảo luận, các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại các quy định có liên quan ở Luật Đầu tư, Luật Đầu tư Công, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu toàn bộ các ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính- Ngân sách để hoàn chỉnh dự thảo Nghị định theo đúng quy định./.

Thu Phương