TRỌNG TÂM CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT VÀ BỘ TƯ PHÁP TRONG NĂM 2024

06/02/2024

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2023, phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa để cùng chia sẻ, hỗ trợ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đã thống nhất 08 trọng tâm phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2024.

CÔNG TÁC PHỐI HỢP GIỮA BỘ TƯ PHÁP VÀ THƯỜNG TRỰC ỦY BAN PHÁP LUẬT ĐẠT NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC

Chiều 05/2 tại Trụ sở Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp tổ chức cuộc làm việc nhằm trao đổi về công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình công tác năm 2024. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đồng chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự cuộc làm việc có các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, cùng các cán bộ Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội.

Quang cảnh cuộc làm việc.

Năm 2023: Công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực

Ngày 15/3/2023, tại Hội nghị về công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp năm 2023, Đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thống nhất hai cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ, từ sớm, từ xa để cùng chia sẻ, hỗ trợ đi đến thống nhất, đồng thuận cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả cao nhất. Trong năm 2023, công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật có nhiều đổi mới và đạt được các kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều mặt, đóng góp vào thành công chung trong hoạt động của Quốc hội và Chính phủ.

Theo đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đã phối hợp trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 05 nghị quyết về điều chỉnh Chương trình năm 2024.

Phối hợp chặt chẽ tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật, văn bản dưới luật có liên quan và báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Tham mưu Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV.

Hai bên cũng phối hợp chặt chẽ trong việc theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ lập pháp, tham mưu Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kế hoạch bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 với 19 nhiệm vụ lập pháp mới, trong đó có 02 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Bộ Tư pháp phụ trách. Trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Phối hợp tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thành Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 trong lĩnh vực Tư pháp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 25 (tháng 8/2023) và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại cuộc làm việc.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp đã hoàn thành tốt các nội dung, nhiệm vụ phối hợp đề ra trong năm 2023, không có nhiệm vụ nào chưa hoàn thành. Hai bên chủ động, tích cực trong việc trao đổi thông tin, tham vấn ý kiến, chia sẻ khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, công tác phối hợp được tăng cường thường xuyên, chặt chẽ ngay từ giai đoạn đầu của quá trình rà soát, nghiên cứu phương hướng, cách thức, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ được giao (cả từ cấp chuyên viên, cấp vụ và cấp lãnh đạo hai cơ quan). Các bên luôn thể hiện tinh thần tôn trọng, cầu thị, luôn lắng nghe, ghi nhận ý kiến của nhau. 

Trọng tâm công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp trong năm 2024

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2023 và khắc phục các tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa Bộ Tư pháp và Thường trực Ủy ban Pháp luật, tại cuộc họp, Hai bên đã thống nhất đề ra 08 trọng tâm công tác phối hợp giữa Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp trong năm 2024. Cụ thể:

1. Về công tác lập, triển khai, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Theo Chương trình năm 2024, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp đôn đốc các Bộ, ngành, giúp Chính phủ trình dự kiến Chương trình năm 2025 đúng thời hạn. Đối với các đề nghị xây dựng luật do các cơ quan, tổ chức khác trình, đề nghị Bộ Tư pháp giúp đôn đốc khẩn trương có ý kiến của Chính phủ theo quy định để phục vụ thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Thường trực Ủy ban Pháp luật trong việc giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết triển khai Chương trình năm 2025, điều chỉnh Chương trình năm 2024 phân công cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, phối hợp thẩm tra. 

Về về việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Chương trình, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp đôn đốc các cơ quan chủ trì soạn thảo thực hiện Chương trình theo đúng tiến độ trình Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, bảo đảm chất lượng. Tham mưu, giúp Chính phủ kiểm soát chặt chẽ về hồ sơ đề nghị xây dựng luật bảo đảm đầy đủ, chất lượng theo đúng quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp thống nhất đề ra 08 trọng tâm công tác phối hợp trong năm 2024. 

2. Về việc theo dõi, đôn đốc và báo cáo việc thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 bổ sung Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 

Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 đã xác định 137 nhiệm vụ lập pháp, Kế hoạch số 734/KH-UBTVQH15 bổ sung 19 nhiệm vụ lập pháp cần nghiên cứu, rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất xây dựng mới luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ báo cáo về tiến độ triển khai thực hiện của Chính phủ theo đúng yêu cầu về tiến độ, nội dung báo cáo kết quả nghiên cứu để xây dựng Báo cáo tổng hợp chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ động, có kế hoạch tham mưu với Chính phủ, đề xuất đưa vào Chương trình bảo đảm tính gối đầu, không dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, vào một kỳ họp Quốc hội.

Về việc thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét đưa vào Chương trình sửa đổi Luật Luật sư; đồng thời, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả rà soát Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp theo đúng thời hạn quy định.

Đồng thời nghiên cứu, rà soát: Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan, Luật Thi hành án dân sự, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả thực hiện; Đề xuất giải pháp bảo đảm hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết trên cơ sở kết quả nghiên cứu, rà soát của Bộ Tư pháp.

3. Về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, trong đó đặt ra yêu cầu là: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, bảo đảm chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả”. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 28/11/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW, trong đó giao Đảng đoàn Quốc hội thực hiện nhiệm vụ là: “Chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả (hoàn thành trong năm 2024)”.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 23/10/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 1981-KH/ĐĐQH15 về xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm để bảo đảm tiến độ, chất lượng Báo cáo; đề nghị Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tư pháp đồng thời là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án, tiếp tục cho ý kiến chỉ đạo hoạt động chung Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập và trong xây dựng Báo cáo của Chính phủ để có thể hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Lãnh đạo Bộ Tư pháp cùng Thường trực Ủy ban Pháp luật tại cuộc làm việc.

4. Về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023); dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). Để đảm bảo chất lượng của dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp, thực hiện đúng Kết luận của Phó Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc về tiến độ giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); đồng thời, quan tâm, bám sát Kế hoạch 2383/KH-UBPL15 ngày 04/12/2023 của Thường trực Ủy ban Pháp luật để kịp thời phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các công việc có liên quan.

5. Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Theo Chương trình năm 2024, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trước đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiến hành họp thẩm tra sơ bộ về dự án Luật này, làm cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024). Sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Bộ Tư pháp tập trung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật, khẩn trương báo cáo Chính phủ cho ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội. 

6. Về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024

Đề nghị Bộ Tư pháp giúp Chính phủ xây dựng Báo cáo về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 bảo đảm đáp ứng yêu cầu.  Đồng thời, lưu ý gắn kết với thông tin, kết quả triển khai thi hành luật, nghị quyết thông qua tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5 theo yêu cầu của Hội nghị triển khai dự kiến tổ chức ngày 01/3/2024.

7. Về tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu Chính phủ khẩn trương chỉ đạo thực hiện công tác rà soát, xử lý kết quả rà soát theo yêu cầu của Quốc hội tại Nghị quyết số 110/2023/QH15; tổng hợp kết quả xử lý và kết quả rà soát, đề xuất xử lý theo yêu cầu được nêu tại văn bản số 720/UBTVQH15-PL, xây dựng báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024). 

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Quốc hội yêu cầu Chính phủ “tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập về thủ tục hành chính, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV”. Đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan được Chính phủ phân công chủ trì nhiệm vụ này để triển khai theo yêu cầu của Quốc hội.

8. Về công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị gửi đến Ủy ban Pháp luật về các nội dung thuộc phạm vi lĩnh vực do Bộ Tư pháp phụ trách 

Đối với đơn thư khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về thi hành án, bán đấu giá tài sản, công chứng… thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Bộ Tư pháp do Ủy ban Pháp luật, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Pháp luật chuyển đến, đề nghị Bộ Tư pháp quan tâm kịp thời xem xét, giải quyết và trả lời công dân; đồng thời, thông báo kết quả giải quyết đến Ủy ban Pháp luật, các đồng chí trong Thường trực Ủy ban Pháp luật./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác