CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT PHẢI THỰC SỰ CẦU THỊ, LẮNG NGHE Ý KIẾN CÁC BÊN

13/08/2021

Tiếp tục chương trình làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội về tiến độ triển khai các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, chiều 13/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc về công tác chuẩn bị dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội

Dự cuộc làm việc có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cùng Thường trực Ủy ban Kinh tế, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội.

Sau khi nghe Thường trực Ủy ban Kinh tế và Thường trực Ủy ban Pháp luật báo cáo về tiến độ chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, công tác chuẩn bị thẩm tra của Ủy ban và một số nội dung lớn của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, qua trao đổi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận việc chủ động theo dõi tiến độ soạn thảo và chuẩn bị thẩm tra các dự án Luật của các Ủy ban; đề nghị các Ủy ban tiếp tục rà soát các nội dung, tổng kết thực tiễn thi hành, đánh giá tác động của chính sách để xem xét thấu đáo tất cả các vấn đề; đặc biệt lưu ý trong quá trình đó phối hợp với Viện nghiên cứu lập pháp, các cơ quan hữu quan để tổ chức nghiên cứu, trao đổi, lấy ý kiến các bên một cách cầu thị, bảo đảm chất lượng dự án luật trình Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là những dự án luật mở đầu cho chương trình lập pháp của Quốc hội Khóa XV. Do đó, phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, xem xét qua nhiều vòng, thảo luận tất cả các vấn đề đặt ra. Việc chuẩn bị tốt các dự án luật sẽ là tiền đề thuận lợi cho cả nhiệm kỳ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự chuẩn bị chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Kinh tế. Cho biết đây là dự án luật khó, mang tính chuyên môn đặc thù, phạm vi sửa đổi bổ sung rộng đến 90% tổng số điều của Luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cần được đánh giá tác động từ cả doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng và quản lý nhà nước. Nguyên tắc chung là phải thể chế hóa đúng, đầy đủ chủ trương của Đảng trong lĩnh vực bảo hiểm; bảo đảm sự phù hợp với các luật liên quan, với tình hình phát triển của kinh tế, xã hội, sự phát triển của khoa học, công nghệ và các cam kết quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt báo cáo tiến độ, công tác chuẩn bị thẩm tra đối với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội lưu ý việc quy định bảo về quyền lợi khách hàng, người tham gia bảo hiểm là hết sức cần thiết nhưng không được có các quy định bảo vệ quá mức cần thiết làm ảnh hưởng, gây khó khăn đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Do đó,Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định về điều kiện kinh doanh, trình tự thành lập, gia nhập thị trường, quản trị nội bộ…, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm quyền bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp, tránh tình trạng quản lý nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp; cân nhắc các quy định cụ thể của chế định hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm quyền và lợi ích các bên liên quan, giải quyết các tranh chấp phát sinh.

Đối với một số nội dung thí điểm như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm vi mô, theo Chủ tịch Quốc hội, cần có tổng kết, đánh giá rõ ràng, làm rõ nội dung cần quy định trong luật, để tránh tình trạng luật khung luật ống nhưng cũng tránh tình trạng chưa rõ, chưa được kiểm nghiệm đầy đủ trong thực tế đã quy định cứng trong luật sẽ khó khăn trong thực tiễn thi hành, làm giảm tuổi thọ của luật.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra nhiều bất cập trong các chỉ tiêu thống kê hiện nay và cho rằng, với nội dung, phạm vi sửa đổi như dự thảo Luật là chưa đáp ứng được yêu cầu. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Kinh tế làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan rà soát lại toàn bộ Luật Thống kê hiện hành để sửa đổi một cách căn cơ để không chỉ về tên chỉ tiêu mà những gì bất cập đều phải sửa từ trách nhiệm thống kê, thẩm quyền, cách tính, trách nhiệm cung cấp thông tin; khắc phục tình trạng vì luật không rõ ràng nên số liệu tù mù ảnh hưởng đến kết quả phân tích đánh giá, điều hành vĩ mô, khó kiểm tra giám sát, công khai minh bạch.

Trong đó, một yêu cầu đặt ra là các chỉ tiêu thống kê trong Danh mục phải rõ nội hàm, rõ cách tính. Nếu không quy định rõ trong luật về nội hàm, cách tính của từng chỉ tiêu thì cũng phải xác định rõ giao cho cơ quan nào quy định chi tiết để có cơ sở giám sát, bảo đảm tính minh bạch, độ tin cậy của số liệu thống kê, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổng hợp, công bố chỉ tiêu. Đồng thời đề nghị gia cố thêm về sự cần thiết, thuyết minh chi tiết về các nội dung sửa đổi bổ sung bảo đảm tính thuyết phục, hợp lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho ý kiến về các dự án Luật

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chuẩn bị Thường trực Ủy ban Pháp luật. Cho biết đây là dự án luật khó, phức tạp và chuyên sâu đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực của các cơ quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý trong quá trình xây dựng luật cần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về sở hữu trí tuệ trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật cần phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu lập pháp, các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến chuyên gia tham gia đóng góp xây dựng luật. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh điều quan trọng là lắng nghe ý kiến các bên, cầu thị trong quá trình lập pháp, tận dụng khai thác trí tuệ toàn dân, chuyên gia khi đó mới bảo đảm chất lượng của luật khi ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý Tổng Thư ký Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, trong quá trình chuẩn bị, phải xác định rõ nội dung báo cáo Quốc hội thảo luận tại phiên họp tổ, phiên họp toàn thể, tập trung vào các vấn đề lớn, căn cơ về chính sách, về tính công khai, minh bạch, tính khả thi, thống nhất của dự luật với hệ thống pháp luật, còn những vấn đề thuộc về kỹ thuật lập pháp có thể xử lý bằng việc đóng góp ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện. Với cách làm như vậy, sẽ đáp ứng được yêu cầu vừa bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật vừa rút ngắn được thời gian làm việc của Quốc hội./.

Bảo Yến - Minh Thành