HÌNH ẢNH ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ ÁN THÀNH LẬP CÁC PHƯỜNG THUỘC THỊ XÃ HỒNG NGỰ VÀ THÀNH PHỐ HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

01/09/2020

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp; các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấ và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Sáng 01/9, tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 29 của Ủy ban Pháp luật, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp; nhận thấy rằng các đơn vị cơ bản đạt các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, số đơn vị hành chính trực thuộc, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấ và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định.

Bên cạnh đó một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 02 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự) và theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn lấy tên gọi thành phố Hồng Ngự. Trong khi theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Nghị quyết số 1211 thì “Tên của đơn vị hành chính cấp huyện thành lập mới không được trùng tên đơn vị hành chính cùng cấp trong cùng một đơn vị hành chính cấp tỉnh”....

 Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Ủy ban Pháp luật họp phiên toàn thể lần thứ 29, thẩm tra Tờ trình và Đề án của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì phiên họp.

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật tham dự phiên họp từ Nhà Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban Pháp luật, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tham dự phiên họp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trình bày tóm tắt Tờ trình của Chính phủ về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, việc thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển đô thị thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đến năm 2030.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phạm Trí Thức thay mặt Thường trực Ủy ban trình bày ý kiến của Thường trực Ủy ban về việc thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Bình A, phường An Bình B thuộc thị xã Hồng Ngự và thành lập thành phố Hồng Ngự thuộc tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh đó một số ý kiến còn băn khoăn khi trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp tồn tại 02 đơn vị hành chính cấp huyện cùng tên gọi là huyện Hồng Ngự (thành lập năm 1813) và thị xã Hồng Ngự (thành lập năm 2008 trên cơ sở tách một phần từ huyện Hồng Ngự) và theo Tờ trình, Đề án của Chính phủ sau khi nâng cấp lên thành phố vẫn lấy tên gọi thành phố Hồng Ngự. 

Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi văn Xuyền đề nghị cần làm rõ thêm việc trùng tên thị xã và huyện thì có ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách pháp luật, ảnh hưởng đến giấy tờ, thủ tục hộ tịch, hộ khẩu của người dân địa phương hay không?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung bày tỏ băn khoăn về số liệu diện tích đất nông nghiệp lớn trong khi tỉ lệ lao động phi nông nghiệp cũng cao; và đề nghị làm rõ việc bảo đảm đầu tư, khả năng bố trí vốn.

Liên quan đến vấn đề tên gọi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành cho rằng tên gọi Hồng Ngự gắn với phân định biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia trong thực địa và các văn bên thỏa thuận giữa hai Bên. Liên quan đến chủ quyền quốc gia cần phải có đánh giá tác động kỹ do đó không nên thay đổi tên này.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng cũng cho rằng việc tên gọi được nâng cấp từ thị xã lên thành phố và giữ tên cũ, do đó không nên thay đổi tên này.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ, Bộ Nội vụ có giải trình bổ sung về các vấn đề các đại biểu đặt ra tại phiên họp như các chỉ tiêu chưa đạt, lý giải diện tích đất nông nghiệp lớn và tỉ lệ lao động phi nông nghiệp cũng lớn, làm rõ việc bảo đảm đầu tư, khả năng bố trí vốn, năng lực cán bộ quản lý, tên gọi… để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tới./.

Trọng Quỳnh