TRIỂN KHAI VIỆC TIẾP THU GIẢI TRÌNH CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

26/12/2019

Sáng 26/12, tại Nhà Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cùng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã họp tổ chức triển khai việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc – Trưởng ban Boạn thảo dự án Luật cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và quyết định lùi thời điểm thông qua Luật sang Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV để có thời gian tiếp tục nghiên cứu rà soát tổng kết các quy định liên quan đến tổ chức hoạt động của Quốc hội.

Tổ chức triển khai việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội

Qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy nổi lên một số vấn đề. Một là, phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật. Qua thảo luận tại Kỳ họp, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật còn hẹp chủ yếu tập trung vào việc cụ thể hóa các nội dung trong Nghị quyết số 18/NQ-TW về tinh gọn bộ máy mà chưa khắc phục được những hạn chế vướng mắc tổ chức thực hiện Luật thời gian qua. Vì vậy đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm nhiều quy định để không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Hai là, làm rõ vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Ba là, làm rõ địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội và bộ máy tham mưu giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương.

Bốn là, rà soát để sửa đổi, bổ sung tên gọi, nhiệm vụ, quyền hạn và xác định rõ cơ cấu thành viên, số lượng cấp phó của Hội đồng Dân tộc và từng Ủy ban của Quốc hội.

Năm là, xác định rõ vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đề xuất của các cơ quan có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Sáu là, rà soát các quy định để bảo đảm các điều kiện, tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã dự kiến các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để báo cáo, xin ý kiến các cơ quan hữu quan. Một số nội dung đề xuất 2 phương án để các đại biểu Quốc hội thể hiện quan điểm như về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, kinh phí cho bộ phận tham mưu giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội; cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, giảm số lượng cấp phó của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội…

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân phát biểu tại cuộc họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, ngay sau phiên họp, Ban soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội các nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, yêu cầu Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức rà soát nghiên cứu, đề xuất ý kiến tiếp thu; đồng thời tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, nguyên đại biểu Quốc hội về các nội dung của dự thảo Luật.

Tại cuộc họp, các đại biểu bày tỏ nhất trí với các nội dung tổng hợp của Tổng Thư ký Quốc hội đã nêu và cho rằng đây đều là vấn đề then chốt, căn bản, làm nền tảng cho Quốc hội khóa sau. Vì vậy việc Quốc hội lùi thời gian thông qua dự thảo Luật là quyết định hợp lý, đúng đắn để có thể tiếp tục xem xét một cách kỹ lưỡng. Các đại biểu đề nghị nghiên cứu thực tiễn hoạt động của Quốc hội trong các nhiệm kỳ vừa qua để sửa đổi, bổ sung những vấn đề căn bản, cốt lõi trong hoạt động của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý cho Quốc hội khoá XV hoạt động hiệu quả hơn. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề như: xác định vị trí đặc biệt quan trọng của Quốc hội trong bộ máy nhà nước; tránh xu hướng hành chính hoá tổ chức và hoạt động của Quốc hội bằng việc quy định nhiều tầng nấc trong tổ chức các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; coi đại biểu Quốc hội là hạt nhân trung tâm của Quốc hội để xác định đúng nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu và có cơ chế bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đó.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân lưu ý trong quá trình sửa đổi Luật không thể coi Quốc hội như một cơ quan hành chính nhà nước để đặt ra vấn đề tinh giản, tinh gọn mà Quốc hội là tập hợp của 500 đại biểu đã được Hiến pháp quy định rõ. Quốc hội là thiết chế quyền lực đại diện của nhân dân, là gốc rễ của hệ thống quyền lực nhà nước. Đại biểu nhấn mạnh cần nhìn nhận cho đúng nguyên lý về cơ cấu tổ chức để quy định cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Đại biểu cũng nhấn mạnh Luật cần phải tiếp tục đề cao vị trí vai trò của đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội là bình đẳng với nhau trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu; đồng thời đề nghị quy định các điều kiện bảo đảm cho đại biểu thực hiện quyền của mình.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện sớm xây dựng Đề án về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Ban để dự kiến nội dung cần quy định trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, mục tiêu chính và quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội lần này là phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Đây cũng là mong muốn của các đại biểu Quốc hội khi quyết định xem xét thông qua dự luật theo quy trình tại 2 Kỳ họp.

Ghi nhận các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng ban Soạn thảo Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng không thể nói nâng cao chất lượng hiệu quả chung chung mà có những vấn đề phải nghiên cứu để có những sửa đổi hết sức cụ thể như tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu, giảm số lượng đại biểu hoạt động kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp... đều là những vấn đề cần được thảo luận kỹ lưỡng. Trong thời gian tới, sẽ tổ chức các cuộc làm việc, tọa đàm, hội thảo để lấy ý kiến rộng rãi về các vấn đề liên quan đến dự thảo Luật, qua đó tiếp thu được nhiều nhất trí tuệ, tâm huyết đóng góp cho dự thảo Luật, không duy ý chí./.

Bảo Yến - Nghĩa Đức