Toàn cảnh phiên họp
Trình bày Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, đại diện Ban soạn thảo cho biết, ngày 12/11/2018 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 72/2018/QH14 Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Theo đó, để thực thi Hiệp định tổng số luật cần sửa đổi, bổ sung là 08 luật, gồm: Bộ Luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Tố cáo; Bộ Luật hình sự; Bộ Luật tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ, Luật An toàn thực phẩm. Do vậy, việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề, cụ thể: Bổ sung các quy định về giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm; quy định rõ về điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số vấn đề về sáng chế, chỉ dẫn địa lý; nhãn hiệu; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; kiểm soát biên giới và điều khoản chuyển tiếp.
Thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, Dự luật được xây dựng để thực hiện các cam kết quốc tế phải thực hiện vào thời điểm có hiệu lực của Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan. Nhất trí với sự cần thiết, xây dựng, ban hành Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, để thông qua theo trình tự này thì Tờ trình của Chính phủ cần phải thể hiện rõ hơn căn cứ áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, việc chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành này để vừa đề nghị Quốc hội cho phép áp dụng và trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này ngay tại kỳ họp thứ 7. Cơ quan thẩm tra cho rằng, các chính sách trong dự án Luật là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Do đó đề nghị trong quá trình hoàn thiện Dự luật từ nay cho đến khi trình Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo có hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật này.
Về hồ sơ dự án Luật, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá hồ sơ dự án Luật đã đáp ứng yêu cầu tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, phần về sở hữu trí tuệ trọng Dự luật có các quy định không thể áp dụng trực tiếp và cần có văn bản quy định chi tiết như bảo hộ chỉ dẫn địa lý, hành vi lạm dụng thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ…Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo cần bổ sung dự thảo văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nội dung liên quan đến sở hữu trí tuệ.
Các đại biểu thảo luận tại phiên họp
Thảo luận một số nội dung cụ thể về hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, có đại biểu cho rằng, nếu Dự luật chỉ quy định về hình thức hợp đồng mà không yêu cầu cụ thể về các nội dung của hợp đồng là chưa đảm bảo yêu cầu quản lý. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiêp cứu, làm rõ thêm về nội dung này.
Theo một số đại biểu, đối với quy định về chỉ dẫn địa lý thì tên gọi chung của hàng hóa có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức, trong đó có việc xác định nhận thức của người tiêu dùng và phương pháp xác định này không phải là yêu cầu bắt buộc của Hiệp định CPTPP. Do đó không nhất thiết cần phải quy định trong luật mà có thể để văn bản dưới luật hướng dẫn.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trương Minh Hoàng nêu rõ, đến thời điểm này Ủy ban đã thực hiện xong nhiệm vụ thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Dự luật và các công việc tiếp theo để đảm bảo việc trình dự án Luật xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào phiên họp thứ 33 tới đây./.