GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: THIẾU GIÁO VIÊN CƠ HỮU, BỊ ĐỘNG TRONG PHÂN CÔNG CHUYÊN MÔN

13/03/2023

Báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Dũng (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) Nguyễn Như Hiếu cho biết, nhà trường hiện chưa đủ số lượng giáo viên cơ hữu, dẫn đến không chủ động trong phân công chuyên môn.

QUAN TÂM ĐÀO TẠO LẠI GIÁO VIÊN DẠY CÁC MÔN HỌC MỚI

Ngày 13/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bắt đầu chương trình làm việc tại tỉnh Hưng Yên. Sáng 13/3, Đoàn đã chia thành 2 tổ làm việc với Trường THCS Trung Dũng và Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng chủ trì cuộc làm việc với Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc với Trường THCS Trung Dũng

Báo cáo Đoàn giám sát, Hiệu trưởng Trường THCS Trung Dũng Nguyễn Như Hiếu cho biết, qua hơn 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chất lượng đội ngũ giáo viên, chất lượng học sinh về cơ bản đã tạo được những bước chuyển biến tương đối rõ nét. Giáo viên có nhận thức đúng đắn, có động lực thực hiện theo yêu cầu đổi mới, thực hiện dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học đạt 97,5%. Học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập, bước đầu có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, biết trao đổi, hợp tác và đạt được các phẩm chất cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Phụ huynh học sinh yên tâm.

Tuy nhiên, một số điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, theo thầy Nguyễn Như Hiếu, chưa bảo đảm. Nhà trường còn thiếu giáo viên cơ hữu (thiếu 6 giáo viên), số giáo viên tăng cường, biệt phái hàng năm luôn có sự thay đổi (năm học 2021 - 2022 có 8 giáo viên về tăng cường, biệt phái; năm học 2022 - 2023 có 5 giáo viên về biệt phái).

Tuy nhiên, “tâm lý giáo viên về tăng cường, biệt phái không ổn định, do đó hiệu quả công việc không cao. Nhà trường luôn bị động trong việc phân công chuyên môn” - thầy Nguyễn Như Hiếu chia sẻ.

Do thiếu giáo viên nên việc biên chế học sinh các lớp còn gặp nhiều khó khăn. 92 học sinh khối lớp 6 mới tách được thành 2 lớp, vượt quá quy định 45 em/lớp. Điều này cũng gây khó khăn trong triển khai các hoạt động trên lớp.

Về cơ sở vật chất, trường có 8 phòng học, 1 phòng Âm nhạc, 1 phòng Công nghệ, 3 phòng Khoa học tự nhiên, 1 phòng Khoa học xã hội, 2 phòng Tin học, 2 phòng Ngoại ngữ; tỷ lệ kiên cố đạt 100%. Tuy nhiên, nhà trường chưa có phòng bộ môn Mỹ thuật, phòng đa chức năng; các phòng học có diện tích nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn tối thiểu 1,35m2/học sinh. Ở một số phòng học, nền phòng, trần phòng, tường đã xuống cấp...

Đoàn giám sát thăm Phòng Tin học, Trường THCS Trung Dũng

Nhà trường đã được trang bị các thiết bị dạy học tối thiểu trong đó tập trung vào các lớp triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, năm 2022, được trang bị 20 máy tính cho phòng Tin học. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tiếp tục sử dụng các trang thiết bị, đồ dùng dạy học đã có, thay đổi phương pháp và cách thức khai thác sử dụng theo yêu cầu mới, tăng cường sử dụng học liệu điện tử trong dạy học.

Qua làm việc, trao đổi trực tiếp với thầy và trò Trường THCS Trung Dũng, thay mặt Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ ghi nhận sự quan tâm khá đồng bộ và toàn diện của cấp ủy, chính quyền địa phương cho giáo dục - đào tạo nói chung, triển khai chương trình, sách giáo khoa mới nói riêng; sự tâm huyết, tận tụy, yêu nghề của cán bộ, giáo viên; sự hào hứng, thích thú hơn của học sinh đối với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình, sách giáo khoa mới được đánh giá phù hợp với điều kiện nhà trường và trình độ của học sinh. Tuy nhiên, trang thiết bị dạy học còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên cơ hữu thiếu tới 30%, “đề nghị UBND huyện Tiên Lữ quan tâm, sớm có giải pháp bổ sung biên chế để nhà trường thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, sách giáo khoa”, Phó Chủ nhiệm Đinh Công Sỹ nhấn mạnh.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác