QUAN TÂM ĐÀO TẠO LẠI GIÁO VIÊN DẠY CÁC MÔN HỌC MỚI

10/03/2023

Sáng 10/3, Tổ công tác số 1, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest, thành phố Hà Nội, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội.

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: NÂNG CAO HƠN NỮA CHẤT LƯỢNG ĐỘI NGŨ

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trường đoàn Thường trực Đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc với Nhà trường về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014 - 2022 tại cơ sở giáo dục.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại cuộc làm việc

Mặc dù đã tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn và tự bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường, song theo NGƯT Phạm Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest (Hà Nội), “như thế vẫn chưa đủ, mà cần đào tạo lại ít nhất 1 năm để giáo viên thấu hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới”...

Là một trường liên cấp, tư thục, Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest có nhiều thuận lợi trong triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị dạy học hiện đại, có không gian để học sinh tham gia các hoạt động giáo dục thể chất và ngoài trời. Gần như toàn bộ 1.500 học sinh của trường học bán trú, học 2 buổi/ngày, với đầy đủ các phòng học bộ môn, phòng chức năng như thư viện, phòng mỹ thuật, âm nhạc, tin học, phòng học bộ môn… Đội ngũ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, giáo viên trẻ, ứng dụng công nghệ thông tin tốt, được tuyển chọn kỹ, được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và phương pháp dạy học, công tác chủ nhiệm.

Sau gần 3 năm triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, đại diện Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest khẳng định, học sinh có những tiến bộ về năng lực và phẩm chất như: Chủ động, tích cực hơn trong thực hiện các nhiệm vụ được giao, có kĩ năng chia sẻ, hợp tác và tự tin hơn khi tham gia các hoạt động ở lớp, ở trường. Việc đánh giá kết quả học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 toàn diện hơn, học sinh phải cố gắng ở tất cả các môn học.

Tuy nhiên, khi triển khai chương trình mới với nhiều thay đổi, yêu cầu cao hơn, nhà trường cũng gặp khó khăn nhất định. Ở cấp tiểu học, đa số giáo viên đã quen với việc dạy theo sách giáo khoa nên ít chú ý đến chương trình. Không ít cha mẹ học sinh chưa quan tâm, chưa nắm được thông tin đầy đủ về chương trình mới, về cách đánh giá học sinh kiểu mới nên có những biểu hiện lo lắng, gây áp lực cho học sinh và giáo viên trong quá trình thực hiện.

Đoàn giám sát thăm phòng học Âm nhạc tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest

Với cấp trung học, các nội dung chương trình mới: hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tích hợp, giáo viên chưa được đào tạo bài bản. Mặc dù nhà trường đã tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm, và tự bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường, song theo NGƯT Phạm Thị Hồng Hà, Hiệu trưởng nhà trường, “như thế vẫn chưa đủ, mà cần đào tạo lại ít nhất 1 năm để giáo viên thấu hiểu chương trình giáo dục phổ thông mới”...

Thay mặt Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận sự đầu tư cơ sở vật chất bài bản; tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học, THCS và THPT Everest trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng như hoạt động giáo dục nói chung. Nhấn mạnh, con người là trung tâm, một ngôi trường có cơ sở vật chất tốt mà đội ngũ giáo viên không tốt, thì chất lượng giáo dục cũng khó bảo đảm, nhưng Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh cũng lưu ý không được bỏ qua các điều kiện bảo đảm khác.

Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh khẳng định, đổi mới đương nhiên là khó, nhưng phải làm, quan trọng là trong quá trình đó thấy hết được những thuận lợi, khó khăn, đánh giá khách quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), vì mục tiêu chung là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đó cũng là mục tiêu của giám sát chuyên đề này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới thực hiện được gần 3 năm và chưa áp dụng với tất cả các khối lớp.

(Theo Báo Đại biểu nhân dân)