RÀ SOÁT, XÁC ĐỊNH NHU CẦU ĐÀO TẠO, KHẮC PHỤC THỪA - THIẾU GIÁO VIÊN

13/03/2023

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) đề nghị rà soát, xác định nhu cầu đào tạo chung của cả nước để xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, từ đó giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo.

GIÁM SÁT VỀ ĐỔI MỚI CHƯƠNG TRÌNH, SÁCH GIÁO KHOA: THIẾU GIÁO VIÊN CƠ HỮU, BỊ ĐỘNG TRONG PHÂN CÔNG CHUYÊN MÔN

Chiều 13/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với UBND huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ phát biểu tại cuộc làm việc với UBND huyện Tiên Lữ

Toàn huyện Tiên Lữ hiện có 48 trường mầm non, tiểu học và THCS, với 782 lớp; tổng số có 24.973 học sinh, 1.418 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Bậc THPT, THCS-THPT, Trung tâm GDNN-GDTX, toàn huyện có 5 đơn vị trường với 131 lớp; tổng số 4.798 học sinh; 259 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lữ Nguyễn Đức Lăng khẳng định, các đơn vị tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên; đổi mới phương pháp, hình thức tố chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học; đã thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các đơn vị giáo dục.

Huyện cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục được nâng lên. Theo ông Nguyễn Đức Lăng, “học sinh mạnh dạn, tự tin, chủ động trong học tập, bước đầu có khả năng tự học, tự giải quyết vấn đề, biết trao đổi, hợp tác và đạt được các phẩm chất cốt lõi theo yêu cầu cần đạt của chương trình, đặc biệt công tác giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh được coi trọng”.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tiên Lữ Doãn Anh Quân khẳng định, ưu tiên đầu tư công của huyện những năm qua là dành cho giáo dục

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, quy mô số lớp, số học sinh tăng, dẫn đến công tác quản lý, điều hành hoạt động của các nhà trường gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng kịp thời; ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện chuyên môn. Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục tiểu học của huyện còn thiếu so với quy định về định mức giáo viên/lớp. Do thay đổi về trình độ đào tạo đổi với giáo viên khối mầm non và tiểu học theo Luật Giáo dục 2019, nguồn tuyển dụng đối với cả 3 cấp học còn hạn chế.

Một số ít đơn vị trường thiếu phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng, diện tích một số phòng học phòng bộ môn nhỏ hẹp do xây dựng trước kia, một số công trình phụ trợ xây dựng đã lâu nên xuống cấp, chưa đồng bộ chưa bảo đảm tiêu chuẩn...

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, huyện Tiên Lữ đề nghị Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan căn cứ kết quả rà soát, xác định nhu cầu đào tạo chung của cả nước để xác định nhu cầu giáo viên các cấp học, từ đó giao chỉ tiêu đào tạo cho các cơ sở đào tạo giáo viên bảo đảm gắn liền với việc giao biên chế giáo viên.

Trước mắt, tiếp tục triển khai các đợt bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa dành cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên; mở các lớp tập huấn tại địa phương để đội ngũ giáo viên được tập huấn trực tiếp; đủ các vị trí việc làm theo Điều lệ trường học; đào tạo giáo viên liên môn.

Đoàn giám sát trò chuyện với thầy và trò Trường THCS Trung Dũng, huyện Tiên Lữ

Đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho giáo dục của huyện Tiên Lữ, và đã đạt những kết quả bước đầu trong triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mặc dù là một huyện thuần nông, còn nhiều khó khăn, nhưng Tiên Lữ vẫn ưu tiên chi đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, trong đó chi mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên của huyện năm 2022 tăng đột biến lên hơn 9.000 tỷ đồng (năm 2021 là 3.000 tỷ đồng).

Qua làm việc với các cơ sở giáo dục trên địa bàn cũng thấy được sự tâm huyết, tận tâm, trách nhiệm của những giáo viên đang giảng dạy chương trình mới, nỗ lực khắc phục khó khăn để thích nghi, đáp ứng yêu cầu; sự hào hứng của học sinh khi được tiếp nhận các bài học nhẹ nhàng, thú vị hơn.

Nhấn mạnh, đổi mới giáo dục và đào tạo là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, cũng không thể đánh giá kết quả trong một sớm một chiều, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đinh Công Sỹ đề nghị huyện tiếp tục quan tâm đầu tư cho giáo dục, bảo đảm đủ biên chế giáo viên, động viên thầy cô kiên trì với chủ trương đổi mới, vì sự nghiệp “trồng người” của địa phương./.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác