Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Có tình trạng "xếp hàng, nhận chỗ" trong danh mục đầu tư công trung hạn
Nhiều địa phương không mặn mà với nguồn vốn vay ODA.
Tại buổi làm việc giữa Đoàn Giám sát của Quốc hội với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, một số ý kiến nhận định, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn đóng góp quan trọng trong vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách. Giải ngân luồng vốn này vẫn chiếm 3,33% tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (trung bình trong cả giai đoạn 2016 - 2019) và chiếm 18,08% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Đoàn Giám sát của Quốc hội làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài được định hướng ưu tiên tập trung vào một số lĩnh vực có tác động lan tỏa rộng, có tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng, đồng thời ưu tiên phân bổ cho một số vùng khó khăn. Chủ trương cho các dự án vay lại là đúng đắn, nhằm nâng cao trách nhiệm của các đối tượng tiếp nhận, đặc biệt các địa phương, tuy nhiên trong quá trình thực hiện đã có một số vấn đề bất cập. Một số địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nguồn thu hạn hẹp phần nào bị hạn chế khả năng tiếp cận vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài do trần nợ công thấp. Ngoài ra, trình tự thủ tục về thẩm định và ký hợp đồng vay lại, phương thức giải ngân, đặc biệt đối với các dự án áp dụng cơ chế tài chính trong nước hỗn hợp (một phần cấp phát, một phần cho vay lại) còn phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai, thực hiện và giải ngân các dự án.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, việc quản lý vốn ODA có sự chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, các dự án ODA song phương (ODA của một quốc gia tài trợ trực tiếp cho một quốc gia khác) thường kèm theo một loạt ràng buộc, như chuyên gia, máy móc nhà thầu của nhà cung cấp ODA… Nhưng hình thức vay vốn lãi suất thấp, chi phí cao này gần đây đã được khắc phục. Tuy nhiên, giải ngân vốn ODA đang được đánh giá là chậm nhất so với các nguồn vốn. Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, trong đó các dự án ODA vừa phải tuân thủ quy định Chính phủ vừa phải tuân thủ yêu cầu của nhà tài trợ nên nhiều bộ, ngành, địa phương ngại vay vốn ODA.
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội.
Tình trạng chậm giải ngân vốn ODA hiện vẫn chưa được cải thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài chỉ đạt 9,12% kế hoạch vốn được giao, trong đó, các bộ, ngành đạt 16,12%, các địa phương đạt 5,38%. Trước tình trạng này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Chính phủ rà soát và đàm phán với các nhà tài trợ vốn theo hướng đối với những quy định của Việt Nam đã chặt chẽ đề nghị các nhà tài trợ chấp nhận, mà không cần tuân thủ các điều kiện từ phía nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực tế, một số dự án ODA thuôc dự án O (chương trình, dự án trong đó có một cơ quan giữ vai trò chủ quản chương trình, dự án, thực hiện chức năng điều phối chung và các cơ quan chủ quản khác tham gia quản lý, thực hiện và thụ hưởng các dự án thành phần thuộc chương trình, dự án) có nhiều trường hợp các dự án thành phần đã hoàn thiện nhưng phải chờ dự án của cơ quan giữ vai trò chủ quản, dẫn tới chậm tiến độ…
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho biết, về nguyên tắc, các dự án ODA chỉ sử dụng vào mục đích chi đầu tư chứ không dành cho chi thường xuyên, nhưng hiểu và phân biệt rạch ròi giữa chi đầu tư và chi thường xuyên tại các dự án cũng cần phải nghiên cứu, xem xét.
Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.
Phát biểu tại buổi giám sát về việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Trưởng Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình lý do vì sao một số địa phương không mặn mà và xin trả lại nguồn vốn vay ODA, Bộ có biện pháp gì để tháo gỡ, bởi đây cũng là một nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển đất nước.
Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn nêu vấn đề lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước, đặc biệt là vốn nước ngoài chưa sát với thực tế, dẫn đến số vốn nước ngoài năm 2021 hủy khá lớn. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có trên 20 nghìn tỷ đồng vốn ODA của các cơ quan trả lại, đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dự án và hiệu quả sử dụng vốn vay, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn ODA đang bị thu hẹp.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng nguồn lực có nhưng không sử dụng cũng là sự lãng phí.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, nguồn lực có nhưng không sử dụng cũng là sự lãng phí, trong đó vấn đề được nổi cộm là việc chậm giải ngân vốn ODA do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần đánh giá toàn diện về việc lập kế hoạch đầu tư, hiệu quả, chất lượng, nhu cầu vốn ODA thời gian qua.
Ông Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, giai đoạn 2016 – 2020 Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 3 cuộc kiểm toán tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại việc quản lý sử dụng nguồn vốn tại các dự án ODA, đặc biệt với dự án hỗ trợ kỹ thuật, tổng mức vay lớn nhưng chi phí chuyên gia chiếm 70-80%. Cần đánh giá lại mục tiêu vay vốn cũng như các cam kết song phương với các đối tác nước ngoài.
Giải trình với Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án ODA chủ yếu thực hiện theo hình thức vay ưu đãi. Quy trình vay rất phức tạp, phải thực hiện đúng quy định của luật pháp Việt Nam và quy định của nước ngoài, đây cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng dự án kéo dài, giải ngân chậm. Hơn nữa, theo quy định, hiện nay các địa phương phải vay một phần nguồn vốn ODA, sẽ ảnh hưởng đến khả năng cân đối của các địa phương nên một số địa phương không mặn mà với nguồn vốn này. Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc với các nhà tài trợ nhằm hài hòa các quy định, thủ tục trong nước và nước ngoài, vừa đảm bảo chặt chẽ, điều chỉnh linh hoạt hơn.
Vốn ODA là nguồn lực quan trọng đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm.
Trong bối cảnh nguồn vốn ODA giải ngân chậm nguồn vốn ODA ngày càng thu hẹp, ngày 15 tháng 12 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2109 Phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, giai đoạn 2021-2025. Quyết định nêu rõ: Sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, chính sách hợp tác phát triển của các nhà tài trợ có sự điều chỉnh theo hướng giảm dần hoặc chấm dứt các khoản ODA viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ODA với điều kiện ưu đãi được chuyển dần sang các khoản vay kém ưu đãi hơn. Một số nhà tài trợ song phương vẫn tiếp tục cung cấp các khoản ODA và vay ưu đãi nước ngoài dưới dạng tín dụng xuất khẩu thường kèm các điều kiện ràng buộc về dịch vụ, xuất xứ hàng hóa của nhà tài trợ với tỷ lệ nhất định.
Vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài huy động cho giai đoạn 2016 - 2020 thấp hơn so với giai đoạn 2011 - 2015. Vốn ký kết giai đoạn 2016 - 2020 là 12,99 tỷ USD, giảm tới 51% so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước nước ngoài giải ngân ước đạt 13,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân mỗi năm giảm 16%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn của giai đoạn này bằng 64,8% Kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù vậy, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, một số nhà tài trợ đã điều chỉnh giảm ưu tiên cung cấp vốn ODA cho Việt Nam. Tổng số vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài ký kết trong giai đoạn 2016 - 2020 bằng khoảng 51% so với giai đoạn 2011 - 2015, do đó đóng góp của nguồn vốn này trong tổng đầu tư phát triển toàn xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 chỉ vào khoảng 3,3%, thấp hơn mức 8,8% của giai đoạn 2011 - 2015.
Mặc dù Việt Nam đã “tốt nghiệp” sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, trong thời gian tới nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một trong những nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm, có tính lan tỏa cao và quan trọng.
Cụm công trình Kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc Dự án Phát triển Giao thông vận tải khu vực Đồng bằng Bắc Bộ sử dụng vốn ODA. Theo kế hoạch phải hoàn thành vào tháng 6/2022, tuy nhiên đến nay mới hoàn 44% khối lượng dự án.
Tại Quyết định số 2109 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân cơ bản dẫn đến sụt giảm trong việc huy động và giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Đó là sau khi Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, các nhà tài trợ có sự điều chỉnh chính sách cung cấp vốn, đặc biệt là vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại; Nợ công của Việt Nam, trong đó có vay nợ nước ngoài đã tăng nhanh trước đó, gây áp lực về huy động vốn vay và trả nợ vay nước ngoài; Có sự điều chỉnh về cơ cấu vay trong nước và vay nước ngoài của Chính phủ trong bối cảnh chi phí vay nước ngoài tăng (do tính ưu đãi của ODA giảm); Điều chỉnh thể chế chính sách của Chính phủ cho phù hợp với tình hình mới, trong đó có những điều chỉnh tương đối đột ngột làm hạn chế khả năng tiếp cận và giải ngân các dự án.
Quyết định số 2109 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp do tăng trưởng chưa phục hồi, nguồn vốn ODA và vốn vay nước ngoài là cần thiết để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, then chốt của nền kinh tế, có tính lan tỏa và liên kết vùng, các chương trình và dự án đầu tư công thực hiện trên nhiều địa bàn,... Trong điều kiện nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được trong khi chưa huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân, nếu không huy động nguồn vốn này về dài hạn sẽ ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Vì vậy, để tận dụng hiệu quả và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA trong thời gian tới cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho bộ, ngành, địa phương nhằm tránh lãng phí nguồn lực. Trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân, các dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng. Đối với dự án khó hoàn thành khối lượng theo tiến độ đặt ra, các bộ, ngành, địa phương phải cắt giảm, chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, đặc biệt là trong vấn đề tổ chức thực hiện để có khối lượng hoàn thành, làm thủ tục kiểm soát chi, cũng như thủ tục giải ngân…/.