CẦN THỐNG KÊ CHI TIẾT SỐ LIỆU VỀ THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

24/08/2022

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 của Bộ Tư pháp, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng cần thống kê chi tiết số liệu về thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước khác, tài sản nhà nước, quản lý sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác qua các bản án, quyết định các bản án, quyết định của tòa án nhân dân các cấp.

Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm việc với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp

Tại cuộc làm việc của Đoàn Giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, về việc tổng hợp, làm rõ công tác tham mưu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả nước các năm trong giai đoạn 2016-2021, theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định: Phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm của Quốc hội; Ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các bộ trong việc thực hiện việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm và việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Hàng năm, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kèm theo danh mục các văn bản, đề án mà các bộ, cơ quan phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các văn bản, đề án này bao gồm cả văn bản quy phạm pháp luật và văn bản cá biệt. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không ban hành Chương trình xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ. Việc lập, theo dõi và đôn đốc Chương trình công tác hàng năm của Chính phủ thuộc trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi

Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, khoản 1 Điều 68 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định: "Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất triển khai, hướng dẫn các quy định của Luật này; tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn; triển khai thực hiện, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này". Vì vậy, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Sau khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014, Tại Quyết định số 67/QĐ-TTg ngày 10/01/2014. Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Tài chính chủ trị soạn thảo 01 nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đến ngày 08/9/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 84/2014 NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2014. Ngày 10/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 188/2014/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 84/2014/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/01/2015,

Về thông tin, số liệu thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước khác, tài sản nhà nước, quản lý sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác qua các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương giai đoạn 2016-2021; kết quả thực hiện thi hành án, trong đó làm rõ số liệu vốn nhà nước, tài sản nhà nước, đất đai đã thu hồi, bồi thường theo các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao, tòa ăn nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, Thứ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, hiện nay, trong chỉ tiêu thống kê hiện hành liên quan đến công tác thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp chỉ có các chỉ tiêu thống kê về các số liệu liên quan đến khoản thu cho ngân sách nhà nước gồm: khoản thu án phí, lệ phí toà án trong các bản án dân sự, hình sự, hôn nhân gia đình kinh doanh thương mại; khoản tiền phạt trong các bản án hình sự; tiền bồi thường trong các bản án hình sự; khoản tuyên tịch thu tài sản trong các bản án hình sự và các khoản thu hồi tiền, tài sản cho nhà nước trong các bản án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế tội tham nhũng.

Toàn cảnh cuộc làm việc

Hệ thống chỉ tiêu thống kê thi hành án dân sự hiện hành chưa có các chỉ tiêu tổng hợp, thống kê số liệu về thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước khác, tài sản nhà nước, quản lý sử dụng đất, khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên khác qua các bản án, quyết định của tòa án các cấp cũng như chỉ tiêu thu thập số liệu liên quan đến các khoản thu theo quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Việc tổ chức thi hành các bản án của Tòa án nhân dân các cấp được thực hiện tại hơn 700 cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện trên toàn quốc. Vì vậy, để thu thập số liệu theo yêu cầu của Đoàn Giảm sát, Bộ Tư pháp phái chỉ đạo rà soát, hướng dẫn cụ thể tiêu chí thống kê đến toàn hệ thống. Căn cứ vào tiêu chí được hướng dẫn, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương rà soát từng hồ sơ thi hành án đã, đang được thi hành từ năm 2016 đến 2021 để lập biểu thống kê. Nhận thấy tầm quan trọng của việc thống kê chỉ tiêu số liệu về thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước khác, tài sản nhà nước, quản lý sử dụng đất, khoảng sản, tài nguyên thiên nhiên khác qua các bản án, quyết định các bản án, quyết định của tòa án nhân dân các cấp, Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu và nghiên cứu đưa vào các quy định tiêu chí thống kê trong thời gian tới.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu

Thảo luận tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là chuyên đề giám sát rất quan trọng và thiết thực, qua giám sát, Đoàn đã phát hiện được nhiều vấn đề thực tiễn, qua đó có phương hướng phù hợp để cải thiện công tác này trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị Bộ Tư pháp đề xuất hướng giải quyết, tháo gỡ vấn đề thu hồi tài sản từ các vụ án lãng phí, vấn đề vướng mắc trong quy trình thủ tục tố tụng gây lãng phí, cách thức thể hiện các nội dung này trong Nghị quyết giám sát của Quốc hội.

Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị Bộ Tư pháp đưa ra những kiến nghị, đề xuất cụ thể về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy trình xét xử, thi hành án, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có. Các đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ số liệu về tỷ lệ thi hành án, phân tích và thể hiện rõ nội dung này trong báo cáo.

Kết luận nội dung cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các báo cáo bổ sung, lượng hóa các thông tin đảm bảo chính xác, khách quan, đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể, rõ ràng, để Đoàn giám sát có cơ sở hoàn thiện báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp tháng 9 và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Hồ Hương

Các bài viết khác