Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Đồng Nai về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Chậm sắp xếp, xử lý cơ sở nhà đất theo quy định
Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn cho biết, giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành 127 Nghị quyết, 101 Quyết định về các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong chi ngân sách, đầu tư phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật các ngành, lĩnh vực. Hàng năm các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành kịp thời, tất cả các văn bản được xây dựng đạt 100% so với kế hoạch, đúng thẩm quyền, thể thức, trình tự, thủ tục được quy định; nội dung văn bản rõ ràng, thống nhất, phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu quản lý Nhà nước của địa phương trong nhiều lĩnh vực.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại cuộc làm việc
Thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh Kiên Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành 127 nghị quyết và trực tiếp ban hành 101 quyết định theo thẩm quyền, ban hành 385 văn bản về tiêu chuẩn, định mức, chế độ trong chi ngân sách, chi đầu tư phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật trong các ngành, lĩnh vực. Ban hành 6 Chương trình tổng thể và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tỉnh xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm. Hàng năm ngân sách thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương, việc thẩm định kinh phí bổ sung cho các đơn vị tiết kiệm cho ngân sách 1.424 tỷ đồng dự toán bổ sung, tổng số chi cho đầu tư phát triển năm sau cao hơn năm trước.
Các thành viên Đoàn giám sát đánh giá, báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong các quy định của pháp luật cũng như trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương. Ghi nhận và đồng tình với kết quả đã đạt được nêu trong báo cáo, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh Kiên Giang cần làm rõ, bổ sung một số tồn tại, hạn chế như: chưa ban hành kịp thời chương trình hành động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho cả giai đoạn 2016-2021; chưa bố trí dự toán để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; việc quản lý chi phí đầu tư dự án chưa đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm, các dự án chậm tiến độ, hoặc chấm dứt hợp đồng, dự án được phê duyệt nhưng không thực hiện dẫn đến lãng phí.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Vân Chi phát biểu tại cuộc làm việc
Bên cạnh đó, giai đoạn 2016-2020 tỉnh đã ban hành 10 nghị quyết điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho thấy chất lượng đầu tư công trung hạn không cao. Kết quả thực hiện, sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất theo quy định còn chậm. Qua xem xét báo cáo Tổ công tác của Đoàn giám sát nhận thấy, tỉnh Kiên Giang chưa đánh giá cụ thể, chi tiết các vướng mắc trong từng điều khoản cụ thể của Luật nào, nhất là Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Quang cảnh cuộc làm việc
Đánh giá kỹ hiện trạng, làm rõ trách nhiệm của các bên
Thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, UBND tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu sửa đổi: quyết định quy định hạn mức giao đất, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cũng như các quyết định điều chỉnh giá đất; quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn; trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, danh mục dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ cũng như các quyết định quy định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản…
Trong giai đoạn 2016-2021, UBND tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất với tổng số 270 dự án, với tổng diện tích 5.632,03 ha và thu hồi đất với 9 trường hợp với tổng diện tích 142,17 ha. Về khiếu nại, khiếu kiện trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai theo quy định pháp luật giai đoạn 2016-2021, tỉnh Kiên Giang tiếp nhận 743 vụ trong đó đã xử lý 736 vụ, đang xử lý 7 vụ; về tố cáo đất đai 20 vụ trong đó đã xử lý 20 vụ; tranh chấp đất đai 98 vụ đã xử lý 98 vụ.
Đoàn giám sát ghi nhận việc lập kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật của tỉnh Kiên Giang đã góp phần tránh lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai, sử dụng đúng mục đích đã đề ra, đồng thời giúp tăng thu ngân sách Nhà nước, tránh lãng phí trong sử dụng, khai thác tiềm năng của đất. Tuy nhiên, các thành viên Đoàn giám sát cũng chỉ rõ: kết quả thực hiện còn thấp so với quy hoạch đã đề ra; chất lượng công tác lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao; vẫn còn xảy tình trạng lấm chiếm đất, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, xây dựng, mua bán trái phép đất nông nghiệp, đất khai hoang; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở một số nơi, nhất là tại thành phố Phú Quốc còn phức tạp dẫn đến nhiều khiếu kiện, khiếu nại.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại cuộc làm việc
Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Kiên Giang giải trình, làm rõ hơn các hạn chế trong việc: xây dựng, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lập, thẩm định, phê duyệt, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công, dự án đầu tư công (trong đó chú trọng nâng cao chất lượng lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án, nhất là xác định sự cần thiết, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư chính xác, phù hợp thực tế); quản lý, sử dụng chi cho sự nghiệp khoa học công nghệ; quản lý, sử dụng tài sản công, sử dụng tài nguyên, nhất là đất đai... Cần đánh giá kỹ hiện trạng, vướng mắc, làm rõ trách nhiệm của các bên, có giải pháp xử lý, tháo gỡ triệt để, không để hiện tượng đất không đưa vào sử dụng kéo dài, gây lãng phí tài nguyên, vốn doanh nghiệp, tài sản công, đáp ứng kịp thời được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương,.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát của Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao sự chuẩn bị của UBND tỉnh Kiên Giang đối với cuộc làm việc; đồng thời lưu ý, Kiên Giang cần tiếp tục bổ sung thông tin, số liệu tổng hợp để hoàn thiện báo cáo, làm rõ hơn một số kiến nghị của tỉnh để Trung ương có cơ sở nghiên cứu, xây dựng chính sách phù hợp. Cùng với đó, tỉnh cũng cần cụ thể hóa số liệu, báo cáo thêm những điểm sáng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, cung cấp cho Đoàn các kết luận thanh tra, điều tra của tỉnh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để nhìn nhận rõ hơn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.
Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành tiếp thu ý kiến của Đoàn Giám sát
Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, kết quả UBND tỉnh Kiên Giang báo cáo có giá trị quan trọng và sẽ được Đoàn giám sát ghi nhận, sử dụng khi tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát chung của Đoàn giám sát, qua đó tìm nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong triển khai thực hiện, tiến tới việc hoàn thiện chính sách, pháp luật cũng như các quy định pháp luật.