LÃNG PHÍ VÌ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHÀ Ở XÃ HỘI QUÁ RỘNG, DÀN TRẢI

03/08/2022

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với Bộ Xây dựng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang đã đề nghị Bộ Xây dựng làm rõ những vướng mắc khiến việc thực hiện mục tiêu trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt yêu cầu đề ra.

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Nhà ở sinh viên dở dang, nhà tái định cư bỏ hoang

Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Còn tình trạng "luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư

Chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó quy định tại các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị phải dành quỹ đất 20%, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, trong  báo cáo của Bộ Xây dựng nêu: có những dự án, đặc biệt những dự án tại khu đô thị từ loại 3 trở lên, chủ đầu tư kiến nghị các địa phương không dành quỹ đất 20%; có hiện tượng chia nhỏ dự án dưới 10 ha để không phải xây nhà ở xã hội hoặc trả tiền để không xây dựng quỹ đất cho nhà ở xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng cho biết, qua thanh tra kiểm tra nếu phát hiện dự án không dành quỹ đất 20% để xây nhà ở xã hội sẽ giải quyết theo hướng nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang.

Giải trình vấn đề đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, việc hỗ trợ, tạo điều kiện để các đối tượng chính sách xã hội, trong đó các đối tượng là người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, tạo điều kiện để cải thiện nhà ở. Đặc biệt, kể từ khi Luật Nhà ở được ban hành thì việc thực hiện chủ trương này đã được triển khai rộng khắp trong cả nước, nhiều đối tượng là người lao động, người thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã được Nhà nước tạo điều kiện, hỗ trợ về nhà ở.

Về quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, qua tổng hợp báo cáo của 60/63 địa phương, đến nay đã có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích hơn 1.375 ha và 533 dự án được xây dựng trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với tổng diện tích đất hơn 1.983 ha.

Đối với dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, theo số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng, đến nay trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 275 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng hơn 146.890 căn, tổng diện tích hơn 7.345.500 m2. Đang tiếp tục triển khai 339 dự án, quy mô xây dựng khoảng 371.460 căn, tổng diện tích khoảng 18.575.000 m2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, trong điều kiện kinh tế xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, kết quả triển khai các chương trình nhà ở xã hội đạt được kết quả này là sự quan tâm, cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc chăm lo cải thiện điều kiện ở cho các đối tượng chính sách xã hội. Tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Quy định dành quỹ đất 20% làm nhà ở xã hội tại các dự án nhà ở thương mại không còn phù hợp.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về nguyên nhân khiến việc thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 chưa đạt, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đối với việc dành quỹ đất làm nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại nhiều đô thị loại 3 trở lên chính quyền chưa thật sự quan tâm đến việc quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng,có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Nhiều chủ đầu tư đều đề xuất với chính quyền địa phương cho phép dự án dưới 10 ha được thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp tiền dẫn tới tình trạng thiếu quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là các đô thị lớn. Điều đáng nói là có hiện tượng chia nhỏ dự án lớn thành dự án dưới 10 ha để tránh việc phải dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội.

Mặt khác, tại những địa phương đã chấp thuận việc thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội theo hình thức nộp bằng tiền của các chủ đầu tư, nhưng các địa phương đó lại không sử dụng khoản tiền này để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, qua theo dõi số liệu thực tế cho thấy, việc thực hiện quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại một số địa phương còn chưa phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt tại những khu vực, địa bàn có địa hình phức tạp, có quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chưa có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, dẫn tới lãng phí về nguồn lực đất đai.

Việc lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo với quy định pháp luật hiện hành.

Một khó khăn, tồn tại khác khiến việc thực hiện xây dựng nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đến từ phía chủ đầu tư. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luạt về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 57 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: Đối với nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn hoặc hình thức quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật này thì Bộ Xây dựng nếu là nguồn vốn đầu tư của trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nếu là nguồn vốn đầu tư của địa phương báo cáo người có thẩm quyền quyết định đầu tư lựa chọn chủ đầu tư.

Tuy nhiên, hiện nay dự án xây dựng khu nhà ở sử dụng nguồn vốn đầu tư công được quy định theo Luật Đầu tư công năm 2014, sử dụng nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công được quy định theo pháp luật về xây dựng. Như vậy, đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư công và pháp luật xây dựng. Do đó, cần thiết phải sửa quy định nêu trên để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nhà ở xã hội.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều dự án sử dụng nguồn vốn hỗn hợp gồm một phần vốn ngân sách và phần còn lại vốn huy động của các tổ chức, cá nhân nhưng chưa được quy định rõ rang trong Luật Nhà ở dẫn tới ách tắc trong triển khai thực hiện, làm giảm hiệu quả thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhất là tại các địa phương có nguồn ngân sách tương đối nhiều có thể dành một phần ngân sách ra để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đặc biệt là dự án nhà ở xã hội để cho thuê chưa khuyến khích việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội của các thành phần kinh tế.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 58 và khoản 1 Điều 61 Luật Nhà ở quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế các ưu đãi này không được tính vào giá thành nhà ở xã hội, như chưa tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp đó, như: chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… dẫn đến chính sách ưu đãi hiện hành vẫn chưa thu hút sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội quá rộng, dàn trải.

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bộ trưởng Bộ xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện Luật Nhà ở, có 2 loại nhà ở xã hội: Nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước) và Nhà ở xã hội do các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách nhà nước (vốn đầu tư công) còn rất hạn chế, rất khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước, trong khi Luật Nhà ở hiện hành lại quy định chung chung là nhà ở xã hội đều phải cho cả 8 nhóm đối tượng chính sách xã hội được thuê, thuê mua. Quy định như vậy của luật hiện hành đã bộc lộ tính không hiệu quả khi phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách là quá rộng, dàn trải trong khi điều kiện thực tế ngân sách nhà nước của Trung ương cũng như các địa phương còn đang rất khó khăn, không thể cân đối, bố trí được nguồn vốn để làm nhà ở xã hội cho cả 8 nhóm đối tượng này thuê, thuê mua.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, hiện nay pháp luật về nhà ở chưa có chính sách riêng về nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân mà chính sách hỗ trợ này đang được lồng ghép vào chính sách nhà ở xã hội, áp dụng chung cho 10 nhóm đối tượng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014. Các cơ chế ưu đãi cũng áp dụng chung như các đối tượng khác được mua, thuê mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn tới kết quả phát triển nhà ở xã hội thì nguồn cung nhà ở cho đối tượng này còn rất thiếu so với nhu cầu.

Ngoài ra, mặc dù pháp luật về nhà ở đã quy định Bộ Quốc phòng và Bộ Công an được phép triển khai các dự án nhà ở xã hội, tuy nhiên chưa hướng dẫn cụ thể việc thực hiện nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư dự án.

Một điểm chồng chéo, bất cập trong pháp luật hiện hành, đó là Luật Nhà ở quy định cho phép người mua nhà ở xã hội nếu trong thời gian 5 năm được bán cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó, hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội nếu đơn vị này không mua với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó quy định thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và áp dụng thuế suất thuế thu nhập cá nhân là 2% và thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng nhà ở xã hội không thuộc thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân. Vì vậy, theo Bộ Xây dựng, cần thiết phải bãi bỏ quy định này trong Luật Nhà ở để đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.

Sửa đổi Luật Nhà ở để tạo điều kiện hơn nữa cho người nghèo, người có thu nhập thấp có nhà ở.

Để khắc phục những bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tháng 12/2021, Bộ Xây dựng đã có Tờ trình Chính phủ về đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng: sửa đổi toàn diện với 8 nhóm chính sách, nhằm mục tiêu thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho Nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp, người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường.

Mục đích của việc sửa đổi Luật Nhà ở nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chính sách có khó khăn về nhà ở như người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp, cán bộ công chức, viên chức, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân thông qua điều chỉnh, bổ sung chính sách nhằm tăng cường nguồn cung kết hợp hỗ trợ khả năng thanh toán.

Phát triển nhà ở xã hội theo dự án có vị trí, quy mô gắn với khu vực tập trung nhiều đối tượng có nhu cầu nhà ở xã hội, tại các quỹ đất phát triển nhà ở xã hội được bố trí trong quy hoạch dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở nhằm đảm bảo công bằng và tăng khả năng tiếp cận hạ tầng đồng bộ và các dịch vụ xã hội thiết yếu.

Đa dạng hóa nguồn cung nhà ở xã hội thông qua việc bổ sung thêm các hình thức phát triển nhà ở xã hội phù hợp với thực tiễn; các cơ chế ưu đãi về đầu tư, đất đai, tài chính, thuế… trong đó tập trung đẩy mạnh khuyến khích tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở để cho thuê…/.

 

Lan Hương

Các bài viết khác