TĂNG CƯỜNG THANH TRA, KIỂM TRA VỀ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

24/06/2022

Ngày 24/6 tại tỉnh Kiên Giang, Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương làm trưởng đoàn, làm việc với tỉnh Kiên Giang về “việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn đầu Đoàn Giám sát làm việc với tỉnh Kiên Giang về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Toàn cảnh buổi làm việc 

Tham dự Đoàn giám sát có ông Dương Thanh Bình, Trưởng Ban Dân nguyện, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát; ông Y Thanh Hà Niê K’đăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát. Về phía các Bộ, ngành, có ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Vụ 1, Văn phòng Chính phủ và chuyên gia tham gia Đoàn giám sát.

Về phía tỉnh Kiên Giang, dự buổi làm việc có ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương có liên quan.

Theo báo cáo, trong giai đoạn từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Nội dung chủ yếu tập trung về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Riêng tại thành phố Phú Quốc, nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm hơn 96%, có nguy cơ ảnh hưởng đến công tác đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Trên địa bàn tỉnh, kết quả giải quyết khiếu nại cho thấy, tỷ lệ sai phạm trong quản lý chiếm gần 1/3 vụ việc (hơn 32%). Về tố cáo, tỷ lệ tố cáo đúng và tố cáo có đúng, có sai chiếm hơn 48%. Qua giám sát cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, tỷ lệ khiếu nại là hơn 77%.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Để làm rõ một số vấn đề cần quan tâm, ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của chính quyền Phú Quốc trong việc quản lý đất đai và giải quyết khiếu nại tố cáo: “Tôi thấy quản lý đất đai có vấn đề, tại sao trong khiếu nại tố cáo lại để số lượng đơn lớn như vậy, trách nhiệm đến đâu?”, ông Hiển đặt vấn đề.

Trong giai đoạn báo cáo, tại thành phố Phú Quốc, nội dung khiếu nại trong lĩnh vực đất đai chiếm hơn 96%. Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: “Đây là một trong những điểm nóng, vấn đề quản lý đất đai rõ ràng có nhiều sơ hở, thậm chí là sai phạm”. Từ vấn đề trên cũng đặt ra trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan, địa phương. “Trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc tiếp dân thì  người đứng đầu như Chủ tịch UBND tỉnh, huyện, xã thì phải tiếp công dân định kỳ. Và đặc biệt tôi lưu ý là việc giải quyết khiếu nại hơi dài”, ông Đỗ Văn Đương, chuyên gia tham gia Đoàn giám sát nêu ý kiến.

Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang

Giải trình một số nội dung các thành viên Đoàn giám sát quan tâm, ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, vừa qua tỉnh cũng đã tập trung rà soát hết tất cả các vụ việc khiếu nại kéo dài, qua đó xây dựng kế hoạch cụ thể để có giải pháp trong thời gian tới. Chính bản thân Chủ tịch UBND tỉnh  đã đi thực địa, sau  đó về kiểm tra rồi mới tổ chức cuộc họp nhằm tìm ra hướng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng.

Chia sẻ với những kết quả của tỉnh Kiên Giang trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị tỉnh tiếp thu tối đa các ý kiến của Đoàn giám sát để hoàn thiện lại báo cáo và gửi về Thường trực Đoàn giám sát trước ngày 10/7/2022 để Đoàn giám sát có cơ sở làm việc với Chính phủ, trọng tâm là xung quanh lĩnh vực đất đai, việc áp dụng Điều 62 Luật Đất đai, việc thanh tra công vụ, kiểm sát giải quyết khiếu nại tố cáo. Trưởng đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị tỉnh chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc tiếp công dân, nhất là tiếp công dân của người đứng đầu theo đúng quy định của Luật Tiếp công dân. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo cần đảm bảo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, thời hạn, thời hiệu giải quyết, áp dụng đúng quy định pháp luật để giải quyết về nội dung.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh nội dung cần triển khai: “Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ về trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp trên địa bàn hiện nay như đất đai, môi trường; các khiếu nại, tố cáo liên quan đến trình tự, thủ tục tố tụng đối với các cơ quan tư pháp”.

Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, tồn đọng, đông người, Trưởng đoàn giám sát đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương cũng như các cơ quan có liên quan ở địa phương để xử lý dứt điểm vụ việc, tránh phát sinh các điểm nóng khiếu kiện, phức tạp ở địa phương.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội

Đối với 5 vụ việc cụ thể Đoàn giám sát tại buổi làm việc, Trưởng đoàn Giám sát đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các cơ quan chức năng báo cáo, giải trình, làm rõ thêm thông tin, nội dung về từng vụ việc và gửi Thường trực Đoàn Giám sát trước 10/7/2022.

Khắc Phục