Theo dự thảo Báo cáo kết quả giám sát, 3 năm qua, Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo cơ sở pháp lý khá đầy đủ cho việc quản lý các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay, cả nước có khoảng 500 nghìn lao động đang làm việc ở khoảng 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khoảng 30 ngành nghề khác nhau. Người lao động sau khi về nước cải thiện được cuộc sống của bản thân và gia đình; góp phần không nhỏ vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có nhiều đổi mới tích cực. Tuy nhiên, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn một số hạn chế như: thị trường tiếp nhận lao động thiếu ổn định và khó mở rộng; chất lượng nguồn lao động còn thấp; tình trạng người lao động bị lừa vẫn còn khá phổ biến; sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong công tác quản lý các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa chặt chẽ.
Các thành viên Đoàn giám sát tán thành nhận định và các kiến nghị trong dự thảo Báo cáo kết quả giám sát. Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chính sách KT-XH đúng đắn, đa mục tiêu và đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm, nỗ lực tổ chức thực hiện. Song, thời gian tới, cần tiếp tục làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có giải pháp thiết thực, hiệu quả nâng cao chất lượng nguồn lao động; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng tính chuyên nghiệp, xúc tiến tìm kiếm thị trường, nâng cao năng lực quản trị và hội nhập với thị trường lao động quốc tế. Nhiều ý kiến đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước, phân cấp và phối hợp giữa các cơ quan quản lý trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cần tổ chức quản lý và bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của người lao động; đẩy mạnh các biện pháp xúc tiến mở rộng thị trường lao động; rà soát, đánh giá năng lực của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này...