Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ giám sát tại TP Hồ Chí Minh

15/08/2010

Ngày 9 - 13.8, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về tình hình hoạt động và thi hành chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đã làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và khảo sát thực tế tại một số đơn vị nghệ thuật trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh hiện có 8 đoàn nghệ thuật công lập, 1 trung tâm tổ chức biểu diễn và trên 100 đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp tư nhân hoặc hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Mặc dù chưa xây dựng quy hoạch phát triển lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cụ thể, nhưng đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án tổ chức, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập TP Hồ Chí Minh theo 3 giai đoạn (2009-2010, 2010-2015, 2016-2020) với các giải pháp cụ thể và đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến xây dựng nguồn nhân lực. Sau khi thực hiện Đề án, TP Hồ Chí Minh sẽ còn lại 6 đơn vị nghệ thuật công lập (ghép Đoàn nghệ thuật múa rối TP và Đoàn nghệ thuật Xiếc TP thành Nhà hát Phương Nam; ghép Nhà hát nghệ thuật hát bội TP và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang thành Nhà hát Nghệ thuật Trần Hữu Trang), trong đó 3 đơn vị được chuyển ra ngoài công lập hoặc cổ phần hóa. Việc tổ chức, sắp xếp các đơn vị nghệ thuật công lập bảo đảm giữ vững và phát triển được những loại hình nghệ thuật vừa truyền thống vừa hiện đại, có tính chất đặc trưng của TP Hồ Chí Minh như cải lương, hát bội, ca múa nhạc dân tộc, múa rối, xiếc, ca nhạc nhẹ, kịch nói, giao hưởng và nhạc vũ kịch. Các đơn vị nghệ thuật công lập được sắp xếp theo hướng tinh gọn và đầu tư phát triển trở thành những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực tổ chức hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp...

 

Khảo sát tại Sân khấu kịch Phú Nhuận, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, Công ty Sài Gòn truyền thông và Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam..., đại diện các đơn vị đều cho rằng, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Bởi hiện nay, ngoài Nhà hát Thành phố được xây dựng từ thời Pháp, TP Hồ Chí Minh chưa có một nhà hát xứng tầm. Bên cạnh đó cũng cần điều chỉnh một số quy định về chế độ lương, bồi dưỡng và chính sách đào tạo, đãi ngộ để khuyến khích các nghệ sỹ sáng tạo, cống hiến cho nghệ thuật...

 

Đoàn giám sát ghi nhận sự quan tâm của Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn; đề nghị TP sớm tổng kết các chương trình thí điểm trong lĩnh vực này để đóng góp kinh nghiệm xây dựng định hướng phát triển nghệ thuật biểu diễn trên phạm vi cả nước. Đoàn giám sát đánh giá cao cố gắng của các đơn vị nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh trong việc chủ động tìm ra hướng phát triển, tạo dựng tên tuổi trong ngành nghệ thuật biểu diễn. Các đơn vị nghệ thuật tiếp tục đầu tư để cho ra đời những tác phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng; đồng thời có chiến lược đào tạo lớp diễn viên, nghệ sỹ kế cận.

 

Sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai thành phố có hoạt động nghệ thuật biểu diễn sôi động nhất trong cả nước - UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ sẽ tiếp tục giám sát tại một số địa phương khác và tổ chức hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia trước khi hoàn thiện Báo cáo giám sát về tình hình hoạt động và thi hành chính sách pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Ng. Anh

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)