Theo Báo cáo của Chính phủ, sau ba năm triển khai Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho thấy, thị trường lao động ngoài nước ngày càng mở rộng, chất lượng nguồn lao động xuất khẩu dần được nâng lên, hệ thống các doanh nghiệp dịch vụ đưa người đi xuất khẩu lao động phát triển… Báo cáo còn cho biết, số lượng đi xuất khẩu lao động hàng năm có tăng nhưng chất lượng lao động chưa cao; chất lượng nguồn lao động xuất khẩu còn thấp; công tác quản lý lao động tuyển chọn lao động tại một số địa phương chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động xuất khẩu lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động.
Đoàn giám sát cho rằng, báo cáo của Chính phủ tương đối đầy đủ, nhưng phải đánh giá cụ thể những mặt chưa được; quy định quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài của các doanh nghiệp từ khâu tuyển chọn đến khâu đào tạo và quản lý như thế nào, xây dựng quy chế phối hợp với các địa phương, các doanh nghiệp dịch vụ trong việc tuyển chọn ra sao; xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động lừa đảo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa rõ ràng…
Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là đưa người đi không vi phạm pháp luật, trong đó hợp đồng lao động cho họ phải bảo đảm điều kiện hợp lý. Cần làm rõ hiệu quả của Luật thể hiện ở đâu, đối tượng nào, địa bàn nào có hiệu quả nhất… để từ đó đề xuất những chính sách cho phù hợp; nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực này để người dân nhận thức và hiểu biết rõ những quy định của pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.