Theo Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến 31.12.2009, trên địa bàn thành phố có 96 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 67 trường Đại học, Học viện và 29 trường Cao đẳng. Hiện nay, Hà Nội chưa có trường Đại học trực thuộc mà chỉ có 10 trường Cao đẳng. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ – CP của Chính phủ, 10 trường cao đẳng trực thuộc thành phố đã thực hiện tự chủ một phần kinh phí hoạt động thường xuyên; thực hiện tốt ba công khai về chất lượng đào tạo, các điều kiện bảo đảm và thu chi tài chính trong các cơ sở giáo dục cao đẳng. Việc đẩy mạnh thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính cho các cơ sở giáo dục đã cùng với ngân sách nhà nước đóng góp vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định và phát triển hệ thống giáo dục. Các đơn vị chủ động sử dụng nguồn tài chính đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả. Về công tác xã hội hóa trong giáo dục cao đẳng, Hà Nội đã bảo đảm kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch phục vụ xã hội hóa giáo dục trên địa bàn; miễn thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với đất dành cho các cơ sở xã hội hóa; thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng đối với các dự án đầu tư của cơ sở công lập, cơ sở xã hội hóa giáo dục...
Kiến nghị với Đoàn giám sát, UBND thành phố Hà Nội đề xuất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ hơn với thành phố trong việc điều chỉnh quy hoạch mạng lưới và quy hoạch phát triển giáo dục đại học đến năm 2020 làm cơ sở cho việc dành quỹ đất mở trường mới, mở rộng và nâng cấp trường đã có. Thực hiện chặt chẽ quy trình 2 giai đoạn trong việc thành lập trường. Theo đó, ở giai đoạn 1 sẽ cho phép thành lập để chuẩn bị các điều kiện; sau 2 – 3 năm, nếu cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện thì cho phép hoạt động đào tạo và giao chỉ tiêu tuyển sinh. Hiện nay, các trường Đại học trên địa bàn thành phố đều trực thuộc các Bộ, ngành Trung ương. Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, UBND thành phố đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định phân cấp cụ thể hơn về nhiệm vụ, quyền hạn cho thành phố đối với hệ thống giáo dục đại học trên địa bàn. UBND thành phố cũng đề nghị, Chính phủ giao quyền tự chủ mạnh mẽ hơn cho các trường đại học, cao đẳng về thu chi và thu hút đầu tư để các trường có thể chủ động thu hút các nguồn đầu tư, phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học...
Đoàn Giám sát cơ bản tán thành với các đề nghị của UBND thành phố Hà Nội và cho rằng đây là những kiến nghị khá xác đáng, phản ánh sát với tình hình giáo dục đại học hiện nay. Đoàn Giám sát đặc biệt quan tâm đến đề nghị cần thực hiện chặt chẽ quy trình 2 giai đoạn trong việc thành lập trường và cho rằng, đối với các cơ sở giáo dục đại học đã được cấp phép thành lập, nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì kiên quyết không cho phép thực hiện hoạt động đào tạo. Đây là một trong những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học, tránh tình trạng thành lập ồ ạt các trường đại học, cao đẳng, nhưng không bảo đảm chất lượng đào tạo.
Qua khảo sát tại 5 trong tổng số 96 trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn thành phố, Đoàn giám sát nhận thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã được thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi thành lập, các trường cơ bản đều hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chung của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là còn thiếu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy cũng như đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên... Thời gian tới, Nhà nước cần nghiên cứu để ban hành những quy định thông thoáng hơn, giúp các trường Đại học, Cao đẳng thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.