Đẩy mạnh ứng dụng KH,CN và ĐMST vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Mở ra không gian phát triển mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban; đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học...

Toàn cảnh Phiên họp
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Luật KH&CN hiện hành được ban hành năm 2013. Theo Tờ trình của Chính phủ, qua hơn 10 thi hành, Luật đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN. Trên cơ sở đó, KH&CN đã có những bước tiến tích cực, đóng góp thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thi hành Luật KH&CN năm 2013 cũng cho thấy pháp luật hiện hành còn có những nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn để phát triển khoa học, công nghệ, khơi thông mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận liên quan đến KH,CN&ĐMST, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Các đại biểu tham dự Phiên họp
Vừa qua, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 ngày 19/02/2025 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KH,CN,ĐMST và chuyển đổi số quốc gia nhằm giải quyết những vướng mắc đã rõ, có thể thi hành được ngay. Tuy nhiên, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, thể chế đầy đủ, căn cơ và có hệ thống trong các đạo luật có vai trò quan trọng, nền tảng của lĩnh vực này.
Để kịp thời thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực KH,CN&ĐMST; khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong quá trình thi hành Luật; gỡ bỏ mọi rào cản, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, việc xây dựng Luật KH,CN&ĐMST là rất cần thiết. Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật KH,CN&ĐMST vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Đề cập về sự cần thiết của dự án Luật KH,CN&ĐMST, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, dự án Luật gồm 8 chương và 95 điều (tăng 14 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo (ĐMST) và cấu trúc lại Luật nên về hình thức có nhiều thay đổi so với luật hiện hành. Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 điều, bổ sung 23 điều.
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đã bám sát các nội dung chính sách tại Nghị quyết 118/NQ-CP ngày 03/8/2024 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7/2024 (đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cụ thể: Chính sách 1: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; Chính sách 2: Phát triển tiềm lực KH&CN; Chính sách 3: Thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST; Chính sách 4: Thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; Chính sách 5: Tăng cường phổ biến tri thức KH&CN. Đồng thời, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW, Luật KH,CN&ĐMST đã bổ sung Chính sách 6 liên quan đến hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy
Dự thảo Luật được thiết kế theo nguyên tắc giảm thủ tục hành chính, tăng cường hậu kiểm, chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý và hoạt động KH,CN&ĐMST. Thay đổi tư duy quản lý theo hướng quản lý hiệu quả, không quản lý quá trình. Thu hút nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN thông qua việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tài trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Kế thừa tối đa những nội dung của Luật KH&CN 2013 đã được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu phát triển KHCN&ĐMST hiện nay.
Xây dựng nền tảng cho nền khoa học nước nhà phát triển
Trong khuôn khổ Phiên họp, các đại biểu, chuyên gia đã đóng góp ý kiến về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, gắn với tên gọi của dự thảo luật; sự phù hợp của nội dung dự thảo luật với chủ trương, đường lối của Đảng; mức độ thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng (đặc biệt là mức độ thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị). Các nội dung chính sách cơ bản của dự thảo luật và mức độ, sự phù hợp của việc cụ thể hóa các chính sách bằng các điều, khoản trong dự thảo Luật: Đổi mới hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo, quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST; phát triển tiềm lực KH&CN; thu hút đầu tư, tạo thuận lợi sử dụng ngân sách cho KH,CN&ĐMST; thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trong doanh nghiệp và phát triển thị trường KH&CN; tăng cường phổ biến tri thức KH&CN; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (Chính sách mới bổ sung so với Nghị quyết của Chính phủ, để kịp thời thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 57-NQ/TW).
Ngoài ra, các đại biểu, chuyên gia còn đóng góp vào việc bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, nguồn tài chính, nguồn nhân lực; tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật; tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; sự cần thiết, tính hợp lý của thủ tục hành chính; việc phân quyền, phân cấp; việc bảo đảm bình đẳng giới, chính sách dân tộc (nếu có); tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật…

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chia sẻ với những khó khăn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng như các cơ quan thẩm định trong việc xây dựng các dự thảo của Luật KH,CN&ĐMST.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, hiện nay chúng ta cần thay đổi tư duy pháp luật theo đúng như tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là luật không phải chỉ để quản lý, mà xây dựng luật còn là để tạo ra không gian phát triển, đồng thời cần có cơ chế rõ ràng hơn được quy định trong luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị cơ quan soạn thảo thống nhất đối với các nội dung thuyết minh đưa trong dự thảo luật, tránh việc ban hành luật khung, luật ống, luật chi tiết. Điều này giúp xây dựng nền tảng cho nền khoa học nước nhà phát triển, trong đó có thành phần khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân, các nhà nghiên cứu độc lập. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, không nên quy định chi tiết trong luật, vì khoa học và công nghệ, sản phẩm thay đổi liên tục. Trong vòng 5 năm tới, chúng ta chưa biết điều gì sẽ xuất hiện, điều gì sẽ mất đi, vì vậy luật càng quy định chi tiết thì sẽ càng khó hiểu. Đối với công tác quản lý, kiểm soát quy định trong dự thảo Luật KH,CN&ĐMST được các nhà khoa học rất quan tâm, kiểm soát thế nào để không quá cứng nhắc, không tạo khó khăn đối với nhà khoa học, trong đó có vai trò của Nhà nước đối với nguồn vốn và ngân sách là rất quan trọng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng cho biết, những vấn đề mà các đại biểu, chuyên gia trao đổi tại Phiên họp sẽ được tiếp tục được tiếp thu, giải trình vớiQuốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khi đưa ra xem xét.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại Phiên họp




Đại biểu tham dự Phiên họp

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Đức Hiếu

Đại biểu Trần Văn Lâm - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.