Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát, làm việc với Binh chủng Hóa học để thẩm tra dự án Luật Tình trạng khẩn cấp

04/04/2025

Sáng 04/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86 và làm việc với Binh chủng Hóa học để phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học phục vụ thẩm tra Luật Tình trạng khẩn cấp

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86 và làm việc với Binh chủng Hóa học

Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Quốc phòng.

Về phía Binh chủng Hóa học, dự buổi làm việc có Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học, Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học, đại diện lãnh đạo, chỉ huy Lữ đoàn 86 và các đơn vị có liên quan.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì cuộc làm việc

Tạo cơ sở pháp lý, tăng cường tính chủ động trong ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp

Trình bày Báo cáo, Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học cho biết, thời gian qua, Binh chủng đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm Pháp lệnh về TTKC và các văn bản pháp luật có quy định nội dung về TTKC như: Luật An ninh quốc gia, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Quốc phòng, Luật Phòng thủ dân sự. Công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác, chủ động phòng ngừa, ứng phó sự cố, thảm họa hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân (CBRN) cho bộ đội được chú trọng; trong đó xác định phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố CBRN và môi trường là nhiệm vụ chính trị, “nhiệm vụ chiến đấu thời bình” của Bộ đội Hóa học. Binh chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện chuyên ngành CHCN cho các đối tượng đúng quy định; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội tổ chức 04 cuộc diễn tập Phòng thủ dân sự, ứng phó với các tình huống sự cố CBRN, môi trường cấp quốc gia; 03 cuộc diễn tập ứng phó với tình huống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; tham gia 12 cuộc diễn tập ứng phó với các tình huống sự cố CBRN trong và ngoài nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ trực bảo đảm an ninh, an toàn cho các ngày lễ, các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, nước ta đang đối mặt với các nguy cơ mất an toàn sinh học như: các dịch bệnh tự nhiên, kháng thuốc điều trị, sự xâm nhập của các sinh vật ngoại lai có hại… Đặc biệt, những năm gần đây tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều dịch bệnh lạ, nhiều chủng virus mang mầm bệnh mới, độc lực cao. Nước ta là quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; hàng năm xảy ra nhiều sự cố cháy, nổ, bão, lũ sạt lở đất, gây ra các sự cố CBRN và môi trường.

Đại tá Nguyễn Đình Hiền, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Hóa học 

Từ khi Pháp lệnh TTKC ban hành, mặc dù nước ta chưa ban bố tình trạng khẩn cấp; tuy nhiên, Binh chủng Hóa học đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ứng phó, khắc phục sự cố CBRN và môi trường; góp phần quan trọng vào việc giữ vững môi trường an ninh, an toàn để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điển hình như: Sự cố cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông; Phòng, chống đại dịch Covid-19. Gần đây nhất, sau 01 ngày xảy ra trận động đất cường độ 7,7 độ Richter ngày 28/3/2025 tại Myanmar, Binh chủng đã chỉ đạo Đội Khắc phục hậu quả về môi trường chuẩn bị tốt lực lượng, trang bị, vật tư, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ khi được yêu cầu.

Binh chủng Hóa học cho rằng, việc ban hành Luật TTKC là rất cần thiết, tạo cơ sở pháp lý cho thi hành pháp luật nhằm tăng cường tính chủ động trong việc ứng phó, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống khẩn cấp, góp phần bảo vệ Nhà nước và Nhân dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Với vai trò là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất trong lĩnh vực TTKC, Luật sẽ khắc phục được những bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi pháp luật về TTKC do được quy định ở nhiều văn bản luật khác nhau (Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2018; Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Phòng thủ dân sự...); trong khi Pháp lệnh TTKC năm 2000 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý thấp hơn so với văn bản luật. Cùng với việc kiến nghị một số nội dung trong dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Binh chủng Hóa học cũng đề nghị Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại đưa Dự án xây dựng Luật Phòng, chống phổ biến Vũ khí hủy diệt hàng loạt vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Các thành viên Đoàn khảo sát tại cuộc làm việc

Nghiên cứu việc chỉ huy, điều phối lực lượng tham gia khi có Tình trạng khẩn cấp

Tại buổi khảo sát, các thành viên Đoàn khảo sát đồng tình với nhận định của Binh chủng Hóa học, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp là văn bản không được phổ biến rộng rãi; pháp luật về TTKC quy định trong nhiều văn bản luật. Các sự cố, tình huống khẩn cấp về hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân thường là các tình huống phức tạp, nguy hiểm, không lường hết trước được. Khi Tình trạng khẩn cấp được ban bố, sẽ có nhiều lực lượng, đơn vị cùng tham gia cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả, giải quyết thảm họa, sự cố lớn.

Từ thực tế đơn vị đã từng tham gia khắc phục sự cố cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông; Phòng, chống đại dịch Covid-19…, các thành viên Đoàn khảo sát đề nghị Binh chủng Hóa học cho biết quan điểm, liệu có cần thống nhất đầu mối chỉ huy, chỉ đạo, điều phối chung hay không khi có nhiều lực lượng tham gia. Một số ý kiến cũng đặt câu hỏi về việc cần thiết quy định lực lượng chuyên trách, lực lượng huy động trong dự thảo luật để làm cơ sở cho Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết tạo thuận lợi khi tổ chức thực hiện.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang phát biểu tại cuộc làm việc.

Thành viên Đoàn khảo sát cũng đề nghị Binh chủng Hóa học báo cáo để làm rõ hơn khi nào cần kích hoạt, ban bố Tình trạng khẩn cấp. Có ý kiến cho rằng, trong dự thảo luật hiện chưa có Điều quy định về tập huấn, diễn tập. Đây là nội dung rất quan trọng để công tác tổ chức triển khai không bị lúng lúng, vướng mắc khi Tình trạng khẩn cấp xảy ra. Bên cạnh đó, nghiên cứu trong luật này quy định chung về việc khảo sát, đánh giá tình hình để làm cơ sở nắm bắt tình hình, tập huấn, diễn tập trước khi xảy ra tình huống. Các quy định cũng cần bao quát được các lĩnh vực, trong đó có hóa chất, sinh học, môi trường và các lĩnh vực khác.

Trả lời giải trình ý kiến các thành viên Đoàn khảo sát, Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học đồng tình với việc dự thảo Luật cần nghiên cứu quy định về chỉ huy, quản lý, điều phối các lực lượng tham gia khi có Tình huống khẩn cấp để tạo sự thống nhất, phát huy hiệu quả và vai trò của mỗi lực lượng. Binh chủng Hóa học cũng cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, quan tâm xây dựng các quy định trong dự thảo Luật để làm cơ sở cho việc triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, ứng phó, khắc phục hậu quả, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề khi Tình trạng khẩn cấp xảy ra.

 Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học 

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Trưởng đoàn khảo sát đánh giá cao Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố hóa chất độc, dịch bệnh, phóng xạ, hạt nhân và môi trường của Binh chủng Hóa học; sự tham gia đóng góp ý kiến nhiệt tình, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội thành viên Đoàn công tác và các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.

Trưởng đoàn khảo sát cho rằng, thông qua buổi làm việc, Đoàn khảo sát đã thu nhận được nhiều thông tin, nội dung cần thiết. Nội dung buổi làm việc liên quan đến các vấn đề ít được nhắc đến nhưng lại rất quan trọng, liên quan đến nhiều lĩnh vực như: hóa học, sinh học, bức xạ, hạt nhân, môi trường…, đây có thể chỉ là một sự cố nhỏ nhưng rất dễ trở thành thảm họa nghiêm trọng đe dọa đến an ninh quốc gia, phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Đoàn khảo sát sẽ nghiên cứu thêm đến các nội dung này để bổ sung trong các quy định của dự thảo Luật tới đây.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại kết luận cuộc làm việc.

Thay mặt Đoàn khảo sát, Trung tướng Nguyễn Hải Hưng cũng ghi nhận những ý kiến trao đổi, góp ý về các nội dung như: việc chỉ huy, điều hành liên quan đến TTKC, việc điều phối khi có nhiều lực lượng cùng tham gia khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố lớn trong Tình trạng khẩn cấp; quy định lực lượng chuyên trách để xử lý TTKC; vấn đề đào tạo, huấn luyện; đầu tư trang bị phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; hợp tác quốc tế trong dự thảo Luật. Đoàn khảo sát cũng ghi nhận những kiến nghị của Binh chủng Hóa học để báo cáo và làm cơ sở thẩm tra chính thức dự án Luật, tiếp thu chỉnh lý, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 10.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học

Trước đó, đầu giờ sáng, Đoàn khảo sát đã thị sát thực tế Gian trưng bày Thiết bị kỹ thuât, phương tiện đặc chủng của Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học. Trong khuôn viên đơn vị, Đoàn khảo sát đã lắng nghe giới thiệu về chức năng hoạt động của các loại phương tiện, thiết bị phục vụ nhiệm vụ xử lý các sự cố, tình huống như: các xe trinh sát thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, phát hiện các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; hệ thống robot trinh sát phóng xạ và hóa học; xe tiêu tẩy; xe tắm diệt trùng... Qua báo cáo việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến tiêu độc, phòng hóa và các nhiệm vụ khác của Lữ đoàn 86, Đoàn khảo sát ghi nhận tình hình thực tế hoạt động của đơn vị, những ý kiến, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Tình trạng khẩn cấp./.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội làm việc với Binh chủng Hóa học

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại chủ trì cuộc làm việc

Các đại biểu dự cuộc làm việc

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến phát biểu tại cuộc làm việc

Thiếu tướng Trần Đức Thuận, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc

Đại tá Vũ Huy Khánh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại phát biểu tại cuộc làm việc

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung phát biểu tại cuộc làm việc

 Thiếu tướng Hà Văn Cử, Tư lệnh Binh chủng Hóa học phát biểu làm rõ một số nội dung

 Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tặng quà lưu niệm Binh chủng Hóa học và Lữ đoàn 86.

Khắc Phục – Trọng Quỳnh