Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Mở ra không gian phát triển mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội cần đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng số, ứng dụng khoa học, công nghệ
Sáng 4/4, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự và phát biểu.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu cùng các cán bộ của Viện và giới chuyên gia.

Toàn cảnh cuộc làm việc
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh khẳng định, việc ban hành Luật KH,CN và ĐMST là rất cần thiết và cấp bách. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao nội dung dự thảo Luật KH,CN và ĐMST. Lần đầu tiên vấn đề đổi mới sáng tạo (ĐMST) được được điều chỉnh cùng với khoa học, công nghệ trong một đạo luật. Dự thảo Luật KH,CN và ĐMST đã thể chế hóa nhiều quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nội dung dự thảo Luật có nhiều quy định mới về tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN), khuyến khích ĐMST trong doanh nghiệp và cơ chế tài chính thông qua mô hình quỹ. Một số điều luật thể hiện tư duy pháp lý tiến bộ (như điều 56 về thu hút nhân tài...); nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm (9/11 thủ tục, đạt 81%).

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Minh
Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi một số điều liên quan đến 14 luật để tạo thuận lợi cho hoạt động KH,CN&ĐMST, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Dự thảo Luật đã bước đầu ghi nhận vị trí của khoa học xã hội và nhân văn trong hệ sinh thái khoa học quốc gia. Dự thảo Luật có một số quy định ghi nhận vai trò của KHXH&NV trong chiến lược phát triển KH&CN quốc gia. Đây là chuyển biến tích cực về mặt nhận thức chính sách.
Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn còn một số tồn tại nhất định. Dự thảo chưa thể hiện đầy đủ và rõ nét một số nội dung của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết số 57-NQ/TW. Một số điều luật cần rà soát thêm về kỹ thuật lập pháp. Dự thảo mới dừng lại ở việc ghi nhận vai trò KHXH&NV mà chưa có chỉ tiêu ngân sách cụ thể, chưa thiết lập được cơ chế bắt buộc lồng ghép KHXH&NV trong các chương trình KH&CN, cũng chưa có quy định về vị trí pháp lý đặc biệt của các tổ chức nghiên cứu quốc gia về KHXH&NV. Trong dự thảo Luật còn thiếu quy định mang tính nguyên tắc về trí tuệ nhân tạo và công nghệ số.
Có chiến lược phát triển công nghệ dài hạn, tập trung vào các ngành mũi nhọn
Trong khuôn khổ cuộc làm việc, các đại biểu đã tập trung đóng góp ý kiến vào ưu tiên và huy động tối đa nguồn lực quốc gia cho KH,CN và ĐMST; triển khai các cơ chế, biện pháp khuyến khích, ưu đãi nhằm phát huy vai trò then chốt của lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một số ý kiến cho rằng, nếu khoa học, công nghệ của đất nước không tạo ra các sản phẩm là đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, nhất là công nghệ tiên tiến thì nền khoa học, công nghệ và kinh tế của đất nước không thể phát triển bền vững. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần lưu ý đến nội dung này. Ngoài ra, cũng cần quy định một số trường hợp trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng được coi là ưu tiên, chiến lược.

Đại biểu tham dự cuộc làm việc
Bên cạnh mục tiêu thu hút đầu tư để tạo việc làm, tăng thu ngân sách, kinh nghiệm quản lý tiên tiến thì chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và phát triển cũng là những mục tiêu rất quan trọng. Vì vậy, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bổ sung tại Điều 11 của dự thảo Luật quy định “Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội tập trung đầu tư tạo ra các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, nhất là các công nghệ tiên tiến.” Để thực hiện chính sách tập trung đầu tư tạo ra các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp cần có chiến lược phát triển công nghệ dài hạn, tập trung vào các ngành mũi nhọn; tập trung mọi nguồn lực đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Một số ý kiến khác nêu quan điểm, có thể chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về trường đại học. Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, trước sức ép của tự chủ, nhiều trường đại học quan tâm đến doanh thu và lợi nhuận hơn là chất lượng. Bởi nếu chuyển dịch nghiên cứu cơ bản về trường đại học và không có quy định cụ thể bắt buộc và cơ chế giám sát, cùng chế tài đối với các trường đại học trong dành nguồn lực về tài chính, nhân lực để nghiên cứu cơ bản thì dần dần sẽ tạo ra sự hụt hẫng trong nghiên cứu. Do đó, Ban soạn thảo dự án Luật cần lưu ý hơn về vấn đề này.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến vào sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước vào ứng dụng, phát triển KH,CN; quy định cụ thể việc ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo...
Cần qua tâm hơn đến tính ứng dụng khả thi vào trong thực tiễn cuộc sống
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của các đại biểu, chuyên gia đóng góp ý kiến, đề xuất vào dự án Luật KH,CN và ĐMST; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc ban hành Luật này. Việc soạn thảo dự án Luật cần được chú trọng tới việc ứng dụng KH,CN và ĐMST vào phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, khu vực nông thôn và trong một số lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, du lịch, khoa học xã hội... Bên cạnh đó, cần chú trọng đến áp dụng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH,CN và ĐMST và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cũng cho rằng, những thành tựu và cả hạn chế của trí tuệ nhân tạo cũng cần được quan tâm hơn trong phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác trong đời sống. Mặt khác, để các công trình nghiên cứu khoa học được hiệu quả, cần qua tâm hơn đến tính ứng dụng khả thi vào trong thực tiễn cuộc sống.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc


Các đại biểu tham dự cuộc làm việc

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu

TS Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà nước và Pháp luật

PGS.TS Vũ Hùng Cường - Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan chụp ảnh với các lãnh đạo, ĐBQH, chuyên viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.