Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học phục vụ thẩm tra Luật Tình trạng khẩn cấp

04/04/2025

Sáng 4/4, Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội do Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban làm Trưởng đoàn, đã khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học.

Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát, làm việc với Bộ Tư lệnh Binh chủng Công binh

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học

Tham gia Đoàn khảo sát có Trung tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp; các Ủy viên là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại; đại diện Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Tình trạng khẩn cấp.

Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại tại các đơn vị, địa phương trong tháng 4/2025 phục vụ việc thẩm tra chính thức dự án Luật Tình trạng khẩn cấp, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học

Đoàn khảo sát đã thị sát thực tế Gian trưng bày Thiết bị kỹ thuât, phương tiện đặc chủng của Lữ đoàn 86. Trong khuôn viên đơn vị, Đoàn khảo sát cũng lắng nghe giới thiệu về chức năng hoạt động của các loại phương tiện, thiết bị phục vụ nhiệm vụ xử lý các sự cố, tình huống có liên quan như: các xe trinh sát thực hiện các nhiệm vụ trinh sát, phát hiện các tác nhân hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân; hệ thống robot trinh sát phóng xạ và hóa học; xe tiêu tẩy; xe tắm diệt trùng... Qua hoạt động của Lữ đoàn 86 với các nhiệm vụ liên quan đến tiêu độc, phòng hóa và các nhiệm vụ khác, Đoàn khảo sát ghi nhận tình hình thực tế hoạt động của đơn vị, những ý kiến, kiến nghị trong việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến Tình trạng khẩn cấp.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học

Dự án Luật Tình trạng khẩn cấp do Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo; Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội là cơ quan chủ trì thẩm tra. Dự án Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 43 diễn ra vào tháng 3/2025. Nội dung dự thảo Luật tập trung vào 02 chính sách đã được thông qua khi xây dựng Luật gồm:

-  Chính sách 1: Biện pháp áp dụng trong TTKC, thẩm quyền tổ chức, chỉ đạo, điều hành và quyết định áp dụng các biện pháp đặc biệt của một số chủ thể trong TTKC.

-  Chính sách 2: Các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp; cứu trợ, hỗ trợ người dân ứng phó trong và sau TTKC.

Đoàn khảo sát của Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại khảo sát thực tế tại Lữ đoàn 86, Binh chủng Hóa học

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng, ban hành Luật Tình trạng khẩn cấp là cần thiết để hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việt Nam là một trong 05 quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ biến đổi khí hậu. Tình hình thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến bất thường, trái quy luật, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm gia tăng các tình huống khẩn cấp về sự cố, thảm họa, đòi hỏi các quốc gia phải có các biện pháp ứng phó khẩn cấp./.

Khắc Phục - Trọng Quỳnh