DỰ ÁN LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI): TẠO KHUNG PHÁP LÝ RÕ RÀNG HƠN VÀ PHÙ HỢP VỚI BỐI CẢNH MỚI

25/05/2022

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là dự án luật mang tính chuyên ngành cao, với nhiều quy định có tính đòn bẩy cho hoạt động dầu khí nhằm tạo khung pháp lý rõ ràng hơn và phù hợp với bối cảnh mới.

 

Dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 11 Chương 64 điều. Theo đó, luật Dầu khí (sửa đổi) kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Nội dung của dự thảo Luật giải quyết 6 nhóm chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội thông qua (Nghị quyết số 17/2021/QH15), cụ thể: Chính sách về bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về điều tra cơ bản và dầu khí và trình tự, phê duyệt các bước triển khai hoạt động dầu khí, dự án dầu khí gồm các giai đoạn tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Chính sách quy định khung cho việc thực hiện dự án dầu khí theo chuỗi từ tìm kiếm thăm dò, khai thác, vận chuyển, xử lý; Chính sách về ưu đãi đầu tư và ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với dự án dầu khí theo lô dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí; Chính sách quy định về công tác kế toán, kiểm toán, quyết toán và xử lý chi phí trong hoạt động dầu khí;…

Tán thành cao sự cần thiết xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội, Luật Dầu khí được ban hành ngày 19/7/1993, và đã được sửa đổi bổ sung một số điều trong các năm 2000 (Luật số 19/2000/QH11); 2008 (Luật số 10/2008/QH12), 2018 (Luật số 35/2018QH14 ).

Trong quá trình phát triển, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đã có nhiều thay đổi, tác động lớn đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) cho phù hợp với bối cảnh mới để loại bỏ các bất cập, vướng mắc phát sinh, nhằm hoàn thiện khung pháp lý về dầu khí, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động dầu khí, phù hợp với các cam kết quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

“Trên thực tế, đã đến lúc cần có hành lang pháp lý mới để tạo cơ chế chính sách mang đặc thù dầu khí, từ đó có cơ chế xử lý các vấn đề rủi ro, đặc biệt trong hoạt động tìm kiếm thăm dò...”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.

Đặc biệt quan tâm đến quy định về tài chính kế toán, kiểm toán, trực tiếp là nội dung các điều quy định trong chương VI, PGS.TS Đặng Văn Thanh cho rằng, tại Điều 41, đã quy định về Công tác kế toán, kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí, theo đó, công tác kế toán và kiểm toán đối với hợp đồng dầu khí được thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, kiểm toán Việt Nam và phù hợp với thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế. Đây là điều được bổ sung nhằm quy định nguyên tắc về công tác kế toán, kiểm toán hợp đồng dầu khí phù hợp với thực tế hoạt động dầu khí tại Việt Nam. Nội dung Điều này được soạn thảo trên cơ sở các nội dung quy định tại PSC mẫu (Chương XI) ban hành kèm theo Nghị định số 33/2013/NĐ-CP.

 PGS. TS Đặng Văn Thanh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế ngân sách Quốc hội

Đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Dầu khí, TS. Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, việc sửa đổi lần này phải trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá sâu sắc, toàn diện quá trình thực thi Luật Dầu khí hiện hành; đồng thời quán triệt sâu sắc và toàn diện tầm nhìn, mục tiêu, quan điểm, chủ trương lớn của Đảng về phát triển ngành dầu khí hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Khi Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 thì các ngành kinh tế, dịch vụ cũng phải đáp ứng các yêu cầu tương thích với trình độ của nước phát triển, nhất là về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ khoa học và công nghệ, hạ tầng kỹ thuật.

Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm từ hoạt động nghiên cứu, khảo sát, điều tra cấu trúc, thành phần vật chất, các điều kiện, quy luật sinh dầu khí để đánh giá tiềm năng, triển vọng dầu khí; tìm kiếm thăm dò dầu khí, phát triển mỏ dầu khí, khai thác dầu khí, thu dọn công trình dầu khí. Trong hoạt động dầu khí hiện nay thì dịch vụ dầu khí có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng, bao gồm dịch vụ kinh doanh, dịch vụ pháp lý, dịch vụ kỹ thuật. Do đó, cần cân nhắc để bổ sung hoạt động dịch vụ vào “phạm vi điều chỉnh” cũng như một số nội dung liên quan đến dịch vụ dầu khí. Trên thực tế, dự thảo đã quy định 1 chương (Chương VI) về Công tác kế toán, kiểm toán và quyết toán và xử lý chi phí hoạt động dầu khí.

“Trong phạm vi điều chỉnh không cần thiết tách ra hai khái niệm là “điều tra cơ bản về dầu khí” và “hoạt động dầu khí”; mà nên quy định rõ ràng, mạch lạc chuỗi các hoạt động dầu khí để thuận tiện cho việc quán triệt và thực thi luật”, TS. Nghiêm Vũ Khải đề xuất.

Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội khóa XIV

Về áp dụng Luật Dầu khí, các luật có liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng, dự thảo Luật có nhiều chương, điều liên quan đến các bộ luật, luật như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản, Luật Kế toán,... và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Đánh giá cao sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí, TS.LS Phạm Liêm Chính cho rằng, việc xây dựng dự án Luật phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng.

Quan tâm đến quy định về Hợp đồng dầu khí, TS.LS Phạm Liêm Chính cho rằng, Chương III của Dự thảo Luật dầu khí sửa đổi đã khái quát được những nét cơ bản của một bản hợp đồng dầu khí, thể hiện quyền và nghĩa vụ của một bên là công ty dầu khí nước ngoài (tức nhà thầu hay nhà đầu tư) và bên kia là nước chủ nhà (hay nước tiếp nhận đầu tư).

Theo TS.LS Phạm Liêm Chính hợp đồng dầu khí là hợp đồng về tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí. Đặc điểm của hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí mang tính rủi ro cao, xác xuất thành công từ 5-10%,. Về hình thức hợp đồng dầu khí, Việt Nam đã trải qua 3 hình thức hợp đồng dầu khí: (1) Hợp đồng đặc nhượng (thời VNCH trước 1975); (2) Hợp đồng dịch vụ (từ 1978-1982); (3) Hợp đồng phân chia sản phẩm (từ 1988 đến nay).

Dự thảo Luật dầu khí (sửa đổi) cho thấy, chúng ta đang áp dụng hình thức Hợp đồng phân chia sản phẩm. Do vậy, TS. LS Phạm Liêm Chính đề xuất cần nêu rõ khái niệm Hợp đồng phân chia sản phẩm. Theo đó, cần bổ sung định nghĩa, khái niệm “Hợp đồng chia sản phẩm” vào Điều 3. Giải thích từ ngữ.

Quan tâm tới quy định tại dự thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá bối cảnh hiện nay có nhiều nhân tố mới, nhiều xu hướng mới nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Đó là, sự thay đổi cục diện bản đồ năng lượng khu vực; vấn đề về biến đổi khí hậu; vấn đề cạnh tranh giá,…

Theo TS. Lê Xuân Sang những xu hướng mới này đặt ra những thách thức, sự chủ động trong ứng phó, trong ưu tiên, trình tự khuyến khích đầu tư, chi ngân sách đầu tư, huy động các loại hình vốn đầu tư, kể cả Nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài, liên quan đến quyền quyết định, quyền tự chủ đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế

Từ khía cạnh khác, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết điều 38 luật Dầu khí có đề cập đến vai trò của Bộ Công Thương, bao gồm: tổng hợp, theo dõi, báo cáo tình hình, kết quả tìm kiếm thăm dò, khai thác, tiêu thụ dầu khí, xuất khẩu dầu khí. Nhưng các hoạt động hiện nay Bộ vẫn đang làm như nhập khẩu xăng dầu, quản lý thị trường xăng dầu, an ninh xăng dầu thì vẫn chưa được cập nhật vào dự thảo mới.

TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh, sửa đổi để hoàn thiện Luật Dầu khí nhằm bảo đảm sự tương thích cũng vừa phù hợp với thực tiễn mới, bảo đảm tính hiệu quả, tính thực tiễn của luật lại vừa phù hợp với các luật mới ra đời, tránh sự vênh nhau là yêu cầu tất yếu.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 3, dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại Tổ vào ngày 3/06 và thảo luận phiên toàn thể tại hội trường vào ngày 16/5. Dự k iến, dự án Luật được trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2022)./.

Lê Anh