Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, quyết định đối với 04 nội dung: Một là, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Hai là, Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ba là, Đề án xây dựng cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bốn là, Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì Họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV
Khẳng định sự cấp thiết của các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết những vấn đề này là vô cùng cần thiết cho sự phát triển, nếu muộn một ngày cũng là ảnh hưởng rất lớn. Vì vậy việc tổ chức kỳ họp bất thường nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần phục hồi kinh tế sau thời gian dài tác động của đại dịch và kịp thời thế chế chủ trương Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng bằng những quyết sách cụ thể thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Mục tiêu tối thượng là để phục vụ Nhân dân, phục vụ sự phát triển của đất nước, đảm bảo thể chế hóa chủ trương Nghị quyết của Đảng kịp thời đi vào cuộc sống, không để ách tắc, thể hiện sự chủ động tích cực của Quốc hội trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, nếu gói chính sách này được thông qua trong đầu năm 2022 sẽ có thúc đẩy tăng trưởng hai năm 2022- 2023 và dư âm cho cả nhiệm kỳ. Nếu để đến kỳ họp thường kỳ tháng 5 của Quốc hội mới quyết định thì sẽ lỡ nhịp.
Thông tin thêm về nội dung cơ chế, chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết, việc xem xét cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Tập trung tăng cả tổng cung và tổng cầu, trong đó ưu tiên hơn tổng cung; Phối hợp linh hoạt, chặt chẽ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác (như chính sách thương mại, dịch vụ, đầu tư) để tối ưu hóa nguồn lực. Gói chính sách có quy mô đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách, tránh lãng phí nguồn lực. Các chương trình và giải pháp ược thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, nguồn lực đưa ra phải được hấp thụ tối đa. Thời hạn triển khai chủ yếu trong 02 năm 2022-2023 với lộ trình thích hợp để phục hồi và kích thích nền kinh tế.
Khi thực hiện phải bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài gắn với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; huy động, quản lý và phân bổ, sử dụng các nguồn lực hợp lý, minh bạch, công khai, chống tiêu cực, lợi ích nhóm.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến phát biểu tại họp báo
Về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến cho biết có 05 nhóm giải pháp chính. Một là, mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch bệnh. Hai là, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Ba là, hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh. Bốn là, phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Năm là, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội cơ bản đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội, trong đó xác định ưu tiên cho lĩnh vực y tế gắn với Chương trình và Chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh COVID-19. Các giải pháp đều được chú trọng tính hiệu quả, lan tỏa và phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.
Trao đổi về vấn đề nợ công, bội chi liên quan đến gói chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn nêu rõ nợ công và bội chi là vấn đề quan trọng quốc gia, liên quan đến an ninh tài chính tiền tệ. Khi nền kinh tế phát triển nóng sẽ dùng chính sách tài khóa tiền tệ để điều hòa trở lại, bảo đảm tăng trưởng bền vững và khi kinh tế suy giảm sẽ phải tăng thêm nguồn lực hỗ trợ kích thích phát triển. Tuy nhiên nếu đặt bội chi, nợ công quá cao sẽ ảnh hưởng đến an ninh tài chính, nguy cơ tác động ngược, làm tăng lạm phát, tăng các chi phí. Do đó đây là bài toán điều hành mà các nước đều hết sức thận trọng.
Trong bối cảnh của nền kinh tế hai năm qua 2020-2021, kinh tế tăng trưởng thấp, thậm chí Quý III/2021 tăng trưởng âm, tổng hợp cả năm 2021 tăng trưởng chỉ đạt 2,58% thì cần có chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế, vực dậy tăng trưởng cho giai đoạn tới. Song đưa ra gói chính sách ở mức độ nào thì cần tính toán thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn phát biểu tại họp báo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Hữu Toàn cùng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay nhưng nước vẫn bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô thì đây là động lực lớn nhất cho các giải pháp thúc đẩy pháp triển tiếp theo. Trong thời gian tới, cần thiết bơm thêm tiền, sẽ tăng bội chi, tăng nợ công song cần tính toán ở mức độ nhất định để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và gắn với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo dự kiến, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 04/01/2022 tới./.