Toàn cảnh Tọa đàm
Tham dự tọa đàm có: Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Khóa XIV Hoàng Thị Hoa; Phó Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Hoàng Anh Công, đại diện lãnh đạo Báo Đại biểu Nhân dân, Viện Nghiên cứu lập pháp; lãnh đạo cấp Tổng cục, Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, …; cùng đại diện các hội, hiệp hội và chuyên gia trong lĩnh vực thông tin, truyền thông trên mạng internet.
Làm rõ hơn thực trạng và tìm ra các giải pháp
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho biết, Việt Nam đã chính thức hòa mạng Internet vào ngày 19/11/1997 và tính đến giữa năm 2021, Việt Nam đã có khoảng gần 70 triệu người dùng Internet. Trong suốt quãng thời gian hơn 24 năm qua, hệ thống chinh sách, pháp luật của Nhà nước điều chỉnh và thúc đẩy sự phát triển của Internet tại Việt Nam, cả về mặt hạ tầng kỹ thuật lẫn nội dung thông tin được phổ biến tới người dùng, đã và đang được không ngừng củng cố, hoàn thiện. Bên cạnh vai trò báo chí, xuất bản đối với sự phát triển mạnh mẽ của Internet tại Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội rất quan tâm đến vai trò của các hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông trên Internet, bởi hoạt động của các hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực này, với vai trò, tôn chỉ hoạt động riêng đã góp phần nâng cao nhận thức sử dụng Internet của xã hội, đẩy mạnh ứng dụng Internet trong cộng đồng, phát triển an toàn thông tin, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho các hội viên, tạo nên một sân chơi bình đẳng, hợp tác cùng phát triển của các doanh nghiệp và hội viên. Hoạt động của các hội, hiệp hội ngày càng trở nên phong phú, hiệu quả và có tác động tích cực trong hoạt động ngành và trong vai trò phản biện xây dựng, tuyên truyền chính sách, tư vấn chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên.
Thực hiện Kết luận của Chủ tịch Quốc hội về “tăng cường giám sát việc quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng” và Chương trình công tác năm 2022, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã ban hành Nghị quyết số 339/NQ-UBVHGD15 về việc thành lập Đoàn giam sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, truyền thông khác trên mạng internet” tại một số địa phương trong cả nước.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đặng Xuân Phương
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, trọng tâm tọa đàm muốn hướng đến là thảo luận, làm rõ hơn thực trạng và tìm ra các giải pháp, cả cấp bách và lâu dài, đó chính là tiếng nói của các hội, hiệp hội đối với cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ thông tin, truyền thông, đồng thời bảo đảm các nền tảng giá trị về chính trị, văn hóa, xã hội của Việt Nam trên không gian mạng Internet, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm thông tin độc hại, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong, mỹ tục ” và xa hơn nữa là để “từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”. Việt thực hiện nhiệm vụ trên đây cũng chính là một trong số những nội dung quan trọng được bàn tới tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021 vừa qua.
Tọa đàm nhằm tham vấn ý kiến các hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thông tin, truyền thông trên internet và các thành viên nhằm cung cấp thông tin cho Đoàn giám sát về thực trạng thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử trên mạng Internet; tác động của chính sách, pháp luật đến hoạt động các Hội, hiệp hội và các kiến nghị, giải pháp.
Chưa có khung pháp lý liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phù hợp
Phát biểu tại tọa đàm, trên cơ sở phân tích các chính sách tác động tới Hiệp hội, doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam đã đề xuất nhiều kiến nghị cụ thể nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên các trang thông tin điện tử trên mạng Internet như: cần có hệ thống phát triển đồng bộ ngay khi nghị định được thông qua; Hiệp hội tham gia vào quá trình xây dựng, hỗ trợ tư vấn cho cơ quan quản lý nhà nước vào các nghị định, thông tư; Các nghị định và thông tư hướng dẫn phải sát với thực tế và thị trường hơn; Cần tìm được điểm giao thoa giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài;…
Bà Phạm Thanh Huyền, Hiệp hội Internet Việt Nam
Theo ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam, thực trạng dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới tại Việt Nam thời gian qua đã không qua cấp phép, chưa có cơ chế kiểm duyệt nội dung trước dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn từ các thế lực thù địch xuyên biên giới bên ngoài lợi dụng truyền bá thông tin sai lệch, nội dung tiêu cực, chống phá, xuyên tạc Đảng, Nhà nước ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Đến nay vẫn chưa có khung pháp lý liên quan đến việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phù hợp để điều tiết hài hòa, bất cập về việc cấp phép, quản lý, kiểm soát nội dung dẫn đến các đơn vị trong nước vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng do phải tuân thủ các điều kiện của quy định pháp luật trong nước, trong khi các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT xuyên quốc gia lại chưa bắt buộc phải chấp hành do chưa có quy định điều chỉnh hoặc có quy định nhưng chưa đầy đủ và không hiệu lực,…”, ông Lê Đình Cường nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam
Để khắc phục những bất cập hiện nay, ông Lê Đình Cường kiến nghị, các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện thủ tục về đăng ký cấp phép hoạt động theo quy định và tất cả nội dung trước khi cung cấp tại Việt Nam phải thông qua khâu biên tập, biên dịch, kiểm duyệt đúng theo quy định Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Bên cạnh đó, cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật kèm theo chế tài đủ mạnh để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm duyệt nội dung theo Luật Điện ảnh và Luật Báo chí đối với tất cả các phim, chương trình truyền hình được các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam; Quy định việc kê khai doanh thu (phí dịch vụ và doanh thu quảng cáo kèm theo) phát sinh tại Việt Nam của các tổ chức nước ngoài cung cấp thông qua dịch vụ ứng dụng viễn thông xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, để áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế tương tự như đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ trong nước;…
Ông Lê Đình Cường cũng đề xuất cần sớm Ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Phân tích dưới góc nhìn doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội truyền thông số đề xuất, đổi mới cách tiếp cận chính sách, tiếp cận “quản lý”. Kiến nghị tại tọa đàm, ông Nguyễn Lâm Thanh nhấn mạnh, cần xây dựng kỹ năng số cho người dùng/đào tạo kỹ năng số cho học sinh trong chương trình phổ thông; Kết hợp giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ; Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết vấn đề trong các khuôn khổ liên quốc gia;…
Đại biểu tham dự phát biểu tại Tọa đàm
Tại tọa đàm các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá về bối cảnh tác động của môi trường cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông và giải trí trên mạng intrernet ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, các nhân là thành viên hiệp hội; cho ý kiến việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, áp dụng các chính sách, biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội, hiệp hội và các tổ chức, cá nhân là thành viên; việc tham gia của hội, hiệp hội vào đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến môi trường hoạt động của internet.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến cung cấp các dịch vụ nội dung thông tin, truyền thông và giải trí trên mạng Internet;… Đồng thời, các đại biểu đã cung cấp những thông tin, góc nhìn trong hoạt động thực tiễn về tác động chính sách, pháp luật hiện nay đối với môi trường chuyên môn hoạt động hoặc nghề nghiệp của thành viên hội, hiệp hội.
Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan tới thông tin, truyền thông trên mạng Internet
Kết luận tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương nêu rõ, sự phát triển của các dịch vụ, truyền thông trên internet là xu thế tất yếu, khách quan trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Do đó, cần đẩy mạnh vai trò của công tác lập pháp, với cách tiếp cận mới mang tính hệ thống, hướng tới hoàn thiện hệ thống pháp luật.Từ đó, có định hướng để xây dựng các đạo luật có tính pháp điển cao có tính bao quát đối với lĩnh vực này, có cách tiếp cận vấn đề bằng cách kết hợp công cụ pháp lý và công cụ công nghệ. Kết hợp giữa phòng, chống các thông tin xấu độc với nâng cao khả năng tự miễn nhiễm trước thông tin xấu, độc. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số cũng như nâng cao kỹ năng của người sử dụng dịch vụ trên môi trường internet.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng cho biết, cần tăng cường cách tiếp cận kinh tế văn hóa thay vì chỉ coi báo chí chính thống là công cụ duy nhất để tuyên truyền cho chủ trương đường lối và quảng bá văn hóa. Muốn vậy, phải sớm có định hướng chiến lược xây dựng ngành công nghiệp nội dung số trong nước thực sự lớn mạnh và có khả năng liên kết cao với ngành kinh tế, thương mại, dịch vụ khác.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng nhấn mạnh, thông qua tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin, luận cứ khoa học bổ ích trong lĩnh vực thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin, truyền thông khác trên mạng internet. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục bày tỏ tin tưởng, những đề xuất, kiến nghị này sẽ được chuyển tải đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Từ đó, dần chuyển hóa thành ý tưởng chính sách cũng như là cơ sở hình thành đề xuất hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này./.