Giám sát để bảo đảm việc tuân thủ những nguyên tắc, quy trình, thủ tục,…
Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam khẳng định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.
PGS.TS Đặng Văn Thanh cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc thực hiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công được thực hiện thông qua hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, của Đoàn Đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Mục tiêu giám sát của Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước là để bảo đảm rằng hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quản lý và sử dụng tài sản công thỏa mãn được những nguyên tắc, thủ tục đã được quy định và lợi ích công, lợi ích của nhân dân được bảo đảm.
PGS.TS Đặng Văn Thanh phân chia thành ba loại mục tiêu nhỏ bào gồm: Mục tiêu về mặt nội dung là, tìm hiểu xem liệu các quyết định của Quốc hội về tài sản nhà nước có được thực thi phù hợp với các mục tiêu đã được để ra hay không. Trọng tâm của hoạt động giám sát sẽ là các kết quả của việc thực hiện – kể cả những kết quả mong đợi hoặc không mong đợi. Mục tiêu về mặt pháp lý là, để chống lại sự độc đoán và không công bằng trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Giám sát của Quốc hội để xem xét và đánh giá sự tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và các quy trình, thủ tục trong đầu tư và sử dụng tài sản công. Mục tiêu về mặt kinh tế, để chống lại sự lãng phí, sự gian dối và bảo đảm tính hiệu quả trong sử dụng tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước. Giám sát là xem xét và đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản công với lợi ích mang lại cao nhất tương xứng với chi phí đã bỏ ra cho việc đầu tư tài sản.
“Tất cả ba mục tiêu này đều quan trọng trong hoạt động giám sát. Tuy nhiên, trong một nhà nước pháp quyền, mục tiêu thứ hai: Pháp luật phải được thực thi một cách công bằng, bình đẳng và tuân thủ những nguyên tắc, thủ tục đã đề ra có ý nghĩa rất quan trọng,… “ PGS. Ts Đặng Văn Thanh lưu ý.
PGS. TS Đặng Văn Thanh cũng cho biết, hoạt động giám sát của Quốc hội trong quản lý tài sản công được thực hiện bằng nhiều phương thức. Mỗi phương thức giám sát của Quốc hội có mục đích và cách thức tiến hành riêng theo quy trình và phương pháp phù hợp, nhưng đều nhằm mục đích của hoạt động giám sát tối cao của cơ quan dân cử, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước CHXHCN Việt Nam.
Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức tất cả các phương thức giám sát theo quy định của Luật pháp với quy mô khác nhau, dung lượng khác nhau và đã đạt được nhiều kết quả. Trong đó, hoạt động giám sát mang tính phổ biến, thông dụng của Quốc hội là giám sát bằng phương thức nghiên cứu, xem xét, đánh giá văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý và sử dụng tài sản công. Bên cạnh đó, hình thức giám sát chuyên đề được Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức để theo dõi, xem xét các chủ trương, chính sách về quản lý và sử dụng tài sản công, NSNN,…; giám sát bằng phương thức chất vấn, giải trình.
Hoạt động giám sát của Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực
Theo PGS.TS Đặng Văn Thanh, hoạt động giám sát đã được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tăng cường thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực và đã bước đầu tác động tích cực đến hoạt động quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, bảo đảm việc thực thi pháp luật, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung giám sát cơ bản phúc đáp được yêu cầu tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm, hình thức giám sát ngày càng phong phú, huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động này.
Về kết quả cụ thể, PGS.TS Đặng Văn Thanh nêu rõ, thông qua hình thức giám sát ban hành các văn bản đã giúp cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận và cho ý kiến về các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nhiều kết quả giám sát đã được công bố kịp thời, đúng quy trình, bám sát các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, có chính kiến, có tính phản biện, nêu sát thực những kết quả đạt được, những mặt hạn chế, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệm đối với những yếu kém, sai phạm của các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Luật Quản lý sử dụng tài công công, Luật Quản lý nợ công, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công… và các Nghị quyết của Quốc hội. Kế quả giám sát đã đưa ra phương hướng giải pháp giải quyết những vấn đề mới, những vấn đề còn nhiều vướng mắc hoặc có ý kiến khác nhau. Theo đó, các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật, phù hợp với thực tiễn, xử lý kịp thời tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Kết quả hoạt động giám sát cũng đã cung cấp những thông tin, những đánh giá có căn cứ tin cậy để Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Nhiều kết quả của hoạt động giám sát việc quản lý, sử dụng tài sản công, đã thể hiện trong các báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, cung cấp nhiều thông tin, số liệu, những đánh giá có căn cứ, thẳng thắn, chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong quản lý và sử dụng tài sản quốc gia, tài sản nhà nước.
Ngoài ra, thông qua các cuộc giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành một số Nghị quyết tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật và trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Thông qua các phiên chất vấn, giải trình, đã góp phần làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật, bất cập trong các quy định của pháp luật, đưa ra những giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy mạnh có hiệu quả việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo PGS. TS Đặng Văn Thanh, cũng cần thấy rõ một số tồn tại trong hoạt động giám sát của Quốc hội về quản lý và sử dụng tài sản công để có giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.
Hoàn thiện các quy định pháp lý về hoạt động Giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, PGS. TS Đặng Văn Thanh kiến nghị các giải pháp sau:
Thứ nhất, cần thống nhất về nhận thức đối với hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung, hoạt động giám sát trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Thống nhất nhận thức về tài sản quốc gia, tài sản công, tài sản nhà nước.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý về hoạt động giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, trọng tâm là các quy định mang tính pháp lý về trách nhiệm của các chủ thể giám sát và đối tượng được giám sát.
Thứ ba, cần đổi mới nội dung giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Nội dung giám sát cần xuất phát từ mục đích, yêu cầu của từng cuộc giám sát trong bối cảnh cụ thể.
Thứ tư, hoàn thiện và đổi mới các phương thức, các hình thức giám sát của Quốc hội đối với quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Mỗi hình thức giám sát, dựa trên một quy trình hợp lý, khoa học với những phương thức giám sát phù hợp.
Thứ năm, phát huy các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng giám sát của Quốc hội đối với quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt quan tâm: Tổ chức hệ thống thông tin và bảo đảm đầy đủ, kịp thời có tính hệ thống về tình hình quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; Sử dụng tối đa và có hiệu quả kiến thức và ý kiến tham vấn của các chuyên gia kinh tế - tài chính trong đó có các chuyên gia đầu ngành; Tận dụng mọi sự trợ giúp của các công cụ giám sát (trong đó có sự trợ giúp của cơ quan chuyên môn, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán nhà nước);…
Thứ sáu, cần đổi mưới cách thức làm báo cáo kết quả giám sát của Quốc hội về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Thứ bảy, cần nâng cao năng lực các chủ thể giám sát, cơ quan hỗ trợ chủ thể giám sát, đặc biệt năng lực thu thập thông tin, xử lý thông tin, năng lực phân tích kinh tế, tài chính. Đảm bảo phân công, phân nhiệm rõ ràng.
Thứ tám, nâng cao chất lượng các kiến nghị và bảo đảm các kiến nghị sau giám sát được thực hiện, được giải trình. Trước hết là nhận thức và quan điểm là hệ thống pháp luật về giám sát, hậu quả pháp lý của hoạt động giám sát cần được quy định rõ hơn nhằm ràng bộc đối tượng được giám sát phải khắc phục sai sót, khuyết điểm và phải trả lời bằng văn bản những vấn đề mà chủ thể giám sát yêu cầu.
“Quốc hội của nước CHXHCN Việt Nam có chức năng giám sát tối cao hoạt động nhà nước, trong dó có tình hình quản lý và sử dụng tài sản công. Mục tiêu cao nhất của việc giám sát thực thi pháp luật trong một xã hội dân chủ - cho dù cơ quan nào tiến hành giám sát đi chăng nữa cũng là để bảo đảm rằng các cơ quan hành pháp và các cơ quan nhà nước khác nói chung hành động vì lợi ích của người dân, trong đó có hành động quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công) cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội”, PGS.TS Đặng Văn Thanh nhấn mạnh.